Sống xa trung tâm thành phố Lai Châu gần 10 km, anh Trường được nhiều người biết đến bởi hành động quyên góp nông sản cho các y bác sĩ và gia đình khó khăn đang cách ly, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Lòng nhân ái luôn có sẵn trong mỗi người, chỉ cần mình đánh thức đúng lúc, chúng sẽ lan tỏa rộng khắp. |
“Vào giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, khi nghe tin các y bác sĩ và bệnh nhân nghèo ở bệnh viện tỉnh cần những bữa ăn đủ dinh dưỡng mỗi ngày, tôi chợt nhận ra mình có thể góp một chút sức. Cảm giác chạy xe mỗi sớm, gửi tặng nông sản mình trồng được cho bệnh viện khó diễn tả lắm, nó khiến tôi thấy vui trong lòng cả ngày”, anh cười kể về những ngày qua.
Hay câu chuyện của chị Thành Thu Lương và nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” tại Hà Nội. Trưởng thành trong gia đình khó khăn và có người bà bị loà, chị luôn ao ước lớn lên có thể giúp đỡ những người gặp vất vả trong cuộc sống mưu sinh.
Giai đoạn dịch bệnh, chị cùng những người bạn không quản ngại trong tuần hay cuối tuần, nấu và trao tặng những bữa cơm hay các phần lương thực khô hỗ trợ cho gia đình khó khăn. Không lo ngại việc thường xuyên ở ngoài, chị cho biết: “Tôi nghĩ nếu ai cũng sợ hiểm nguy, thì những y bác sĩ tuyến đầu còn lo lắng hơn. Tôi may mắn được đồng hành, chia sẻ với những người bạn tuyệt vời. Nhóm chẳng ai ngần ngại hay làm vì nghĩ sẽ để được ban trả ơn phước từ đời. Với chúng tôi, chia sẻ là hạnh phúc, là gieo niềm vui nhân nụ cười”.
Chị Thu Lương tin rằng sau khó khăn, chúng ta sống gắn bó và yêu thương nhau nhiều hơn. |
Tại Đà Nẵng, câu chuyện cô Nguyễn Thị Trà Liên - bếp trưởng dự án “Khay cơm yêu thương” đã tạo ra cả nghìn suất cơm từ thiện mỗi ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng mang đến nhiều ý nghĩa.
“Nghĩ mình làm việc gì đỡ cho người nghèo khó là tôi làm, thức khuya dậy sớm hay nặng nhọc gì cũng không cảm thấy mệt”, cô Liên tâm sự về những suất cơm đặc biệt trong suốt 21 ngày phục vụ cộng đồng và lan toả yêu thương. Một kỷ niệm khó quên của cô và nhóm là hình ảnh bà cụ nhận được suất ăn thiện nguyện, chỉ dám ăn một phần cơm trắng và rau, chừa lại khúc cá ngon. Cụ nói bà ăn vậy đã đủ, bà muốn dành lại phần cá này cho đứa cháu ở nhà cần nhiều dinh dưỡng và chóng đói hơn.
Theo cô Liên, hạnh phúc là khi mình cho đi và lan tỏa lòng nhân ái. |
Những ngày giữa tháng 3, khi cả nước đón gần 10.000 kiều bào trở về, các khu cách ly trở thành “tâm điểm nóng”. Y sĩ Thu Hà cùng nhiều bác sĩ, chiến sĩ khác tại trường Quân sự Quân đoàn 4 tỉnh Bình Dương cũng bước vào giai đoạn bận rộn. “Ngày ngày, chúng tôi luôn động viên nhau rằng không sao đâu, Việt Nam sẽ vượt qua trận chiến không súng đạn này, anh em bộ đội đang cố gắng ở biên giới hay những khu vực khó khăn khác cũng đang phục vụ nhân dân, đất nước như mình, mình phải cố lên”.
Xa gia đình gần 1 tháng, cộng thêm việc phải đối diện với những hoang mang khi dịch bệnh lên cao nhưng chị Hà không lo lắng: “Bình thường mà, mang trên mình vừa là áo người lính, vừa là chiếc áo blouse, chỉ nghĩ đơn giản lúc ấy việc của mình là vậy thôi”.
Trái tim nhân ái của các y sĩ như chị Hà giúp gắn kết sức mạnh dân tộc. |
Là một trong những tài xế tham gia chở hàng hóa cứu trợ tuyến đầu xuyên tỉnh Trung - Nam, anh Thạnh chia sẻ: “Hơn 10 ngày đêm từ TP.HCM đến Quảng Bình vừa thử thách sức khỏe, vừa thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, với vợ và con nhỏ đợi ở nhà. Thế nhưng nghĩ đến những người đang cần các hàng hóa, tôi lại có thêm động lực để vượt qua”.
“Nhớ những ngày cầm lái thực hiện hành trình, tôi chỉ dám dừng tạm ở các cây xăng và mắc võng ngủ tạm vài tiếng để lấy sức sau đó tiếp tục lộ trình ngay, vì tôi biết các khu cách ly đang rất cần trang thiết bị y tế, lúc ấy thời gian quý hơn vàng”, anh nhớ lại.
Anh Thạnh tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ trong dịch. |
Dù ở tiền tuyến hay hậu phương, những câu chuyện bình dị của anh Trường, chị Lương, cô Liên, chị Hà, anh Thạnh… đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Họ là những anh hùng thầm lặng, trao đi tình yêu và lòng nhân ái tới cộng đồng.
Những anh hùng thầm lặng chưa và không bao giờ đòi hỏi huy chương hay lời ca tụng, họ âm thầm cho đi, lan tỏa điều tích cực, năng lượng mạnh mẽ chống lại dịch bệnh. Còn rất nhiều “anh hùng” trên các mặt trận khác, từ phóng viên lăn xả đưa tin đến các nhân viên giao hàng không quản nguy hiểm vận chuyển nhu yếu phẩm, hay các chú bảo vệ “bám trụ” tòa nhà, cơ quan đảm bảo an ninh trong những ngày xã hội giãn cách… Tất cả đều xứng đáng nhận sự tri ân vì đã gieo xuống hạt mầm tử tế cho cuộc đời.
“For the Human Race” (tạm dịch: Cảm ơn những anh hùng thầm lặng) là chiến dịch toàn cầu được Coca-Cola thực hiện nhằm lan tỏa thông điệp tươi sáng về hy vọng, tinh thần lạc quan và gắn kết. Tiếp sau phim ngắn được ra mắt online vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 vừa qua, câu chuyện kể về những anh hùng thầm lặng, trái tim nhân ái quên mình ở từng quốc gia sẽ được chia sẻ rộng rãi để cùng nhau, chúng ta vượt mọi khó khăn.
Độc giả xem phim ngắn “For the Human Race” tại đây.