Từ trước đến nay, vấn đề hiến xác khi qua đời ở nước ta còn khá hạn chế do phong tục, tập quán và niềm tin vào tâm linh giữa người sống và người chết rất thiêng liêng. Tuy nhiên, vẫn có người nghĩ khác.
Sinh viên ĐH Y dược TP. HCM thắp nến tri ân người hiến xác. Ảnh:Tuổi trẻ online. |
Với họ, có sinh thì ắt có tử, đó là lẽ thường tình chúng ta phải chấp nhận. Cũng chính vì sự chuyển đổi nhận thức đó nên tính từ năm 1993 đến nay, đã có hơn 20.000 người làm đơn đăng ký tình nguyện hiến xác tại ĐH Y Dược TP.HCM.
Cô Trương Thị Sao Mai, cán bộ bộ phận hiến thi hài của ĐH Y Dược, cho biết: “Hàng năm, số người tình nguyện hiến xác cho trường càng tăng, ở độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm khoảng 30% tổng số người đăng ký. Đặc biệt, có trường hợp người đăng ký ngay khi tuổi đời còn rất trẻ".
"Mẹ muốn phát điên khi biết tôi đăng ký hiến xác"
Đó là chia sẻ của Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1991, ngụ tại quận 2, TP.HCM. Hiếu cho biết anh đã có suy nghĩ này từ 2 năm trước khi tham dự những đám tang của bạn bè, người thân. Anh chứng kiến những giọt nước mắt của người ở lại trong suốt nhiều ngày làm lễ tang. Anh đi đến quyết định: "Tôi muốn khi mình chết, mẹ và những người thân yêu sẽ trải qua nỗi đau thật nhanh. Tôi sẽ được mang đi trước khi nỗi đau thực sự rõ ràng. Tôi đã từng thấy một người mẹ vừa khóc con vừa sắp xếp mọi thứ cho tang lễ, rồi ngồi suốt ba ngày đốt vàng mã dưới áo quan để con khỏi lạnh.
Tôi cũng từng gõ cửa hiệu ảnh lúc mờ sáng để in di ảnh cho bạn. Mẹ bạn đã khóc nấc lên nhất định in tấm khác để nhìn được hình ảnh con mình lúc còn tươi tỉnh nhất. Tôi đã thấy cảnh nhà hòm và thầy tụng cò kè bớt một thêm hai khi mang đến chiếc áo quan không đủ dài ngay trước thi hài bạn còn chưa lạnh hẳn. Đó không phải là những điều tôi muốn người thân làm cho mình trong đám tang của tôi".
Tờ đơn hiến xác của anh Hiếu đã làm người mẹ muốn phát điên vì tức giận. |
Hiếu phải trải qua hai năm dằn vặt với ý định đến ĐH Y Dược làm đơn đăng ký do sự ngăn cản quyết liệt từ mẹ của anh. Ban đầu, Hiếu chỉ hỏi dò để được nghe suy nghĩ và quan niệm của mẹ anh về việc hiến xác cho y học. Những cái nhíu mày và lắc đầu phản đối của mẹ cũng giúp Hiếu hiểu ra rằng mẹ mình muốn một thân thể lành lặn của đứa con trai đã mất chứ không phải đống tro tàn được hỏa thiêu sau khi những phần thân xác trên người đã bị lấy mất.
Nhưng bất chấp sự phản đối của mẹ, Hiếu vẫn quyết định viết và ký vào tờ đơn tự nguyện hiến thi hài và trình cho mẹ của anh xem sau khi đã hoàn tất các giấy tờ thủ tục. "Mẹ đã phát điên lên khi tôi đem mẫu đơn này về. Nhưng tôi nghĩ thế còn tốt hơn việc mẹ sẽ hóa điên khi lỡ như tôi nằm cứng đờ giữa nhà và mẹ lại không biết phải bắt đầu từ đâu cho một đám tang!" - Hiếu nói.
Vì sự việc đã rồi nên mẹ của Hiếu cũng đành chấp nhận. Thỉnh thoảng, anh lại nói đùa với bà: "Sau này con chết, mẹ nhớ liên lạc ngay với bệnh viện để hiến xác, không được giấu đâu đó!". Hiếu cũng chia sẻ rằng anh sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, thân thể và mong mình sẽ không bị mắc một căn bệnh truyền nhiễm nào để có thể hiến một thân xác khỏe mạnh cho y học.
Cô gái tình nguyện hiến xác vì muốn "hoạch định tương lai sau khi chết"
Chị Lại Hoàng Hà, sinh năm 1984, ngụ quận 4, TP. HCM quyết định làm đơn tình nguyện hiến xác khi chị chạm mốc tuổi 30. Đối với chị, đây là thời điểm thích hợp nhất vì chị cho rằng mình đã đủ chín chắn để đưa ra quyết định mà không vấp phải sự ngăn cản từ gia đình.
"Nếu bạn có muốn làm thì hãy làm sớm, vì đơn giản là người chết thì không thể ký được, và người già đã lẫn thì càng không. Thật vui vì chuyến phiêu lưu cuối cùng của cuộc đời mình cũng do mình lên kế hoạch" - chị Hà cười và nói.
Điều khiến chị Hà an tâm và không ngần ngại làm việc này vì chị có một người bạn thân 20 năm hiện là bác sĩ - giảng viên tại ĐH Y Hà Nội. Những ngày tháng còn là sinh viên thực tập ở Viện Giải Phẫu, người bạn này đã tâm sự với chị Hà rằng mình học được rất nhiều kiến thức và đã vượt qua cả những sợ sệt về tâm linh ban đầu.
Nên người bạn này và cả những sinh viên y khoa đều cảm thấy mỗi một thi thể là một người thầy thầm lặng. Chị Hà nói: "Tới bây giờ, bạn ấy vẫn nhớ gương mặt trên thi thể mà mình tiếp xúc lần đầu tiên. Tôi rất quý bạn ấy và cả những sinh viên, bác sĩ ngành y, những người được dạy rằng tuyệt đối tôn trọng các thi thể và phải may lại tỉ mỉ để thi thể đó lành lặn, nguyên vẹn sau khi giải phẫu xong".
Chị Hà chia sẻ: "Trên giấy chứng nhận không nhất thiết phải dán ảnh, nhưng mình chọn ảnh này, để nhắc nhở rằng mình đã làm việc này vào lúc mình đang rất trẻ trung, khỏe mạnh, xinh đẹp, lạc quan, yêu đời".
Ở Việt Nam, từ năm 1990, giáo sư Nguyễn Quang Quyền, chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học tại Đại học Y Dược TP.HCM đã khôi phục lại vũ hội Macchabée và đặt tên là: Lễ tri ân những người đã hiến thân thể cho khoa học.
Theo quy định hiện nay, người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tự nguyện đăng ký hiến xác cho khoa học sau khi qua đời. Người có ý nguyện hiến xác cần làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hiến xác khi còn minh mẫn.
Theo tìm hiểu, thi hài sau khi được đơn vị tiếp nhận để sử dụng sẽ được ướp hóa chất bảo quản nhằm giữ được lâu dài, phục vụ công tác giảng dạy trong khoảng từ 1 đến 2 năm.
Sau đó, nếu gia đình không có yêu cầu nhận lại, thi hài sẽ được hỏa thiêu với sự hiện diện của gia đình. Nhà trường có thể sẽ giữ lại toàn bộ xương cốt để giảng dạy và nghiên cứu.