Tại hội nghị tham vấn hoàn thiện quy định pháp luật về quyền nhân thân trong dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) mới tổ chức, có ý kiến gây nhiều tranh cãi khi cho rằng cần quy định về quyền được hưởng lợi từ họ tên, bút danh.
Cấm để tránh mạo danh trục lợi?
Cụ thể, theo luật sư Lê Quang Vy (Đoàn Luật sư TP HCM), Điều 26 dự thảo (quyền đối với họ, tên) nên bổ sung thêm khoản 5 như sau: “Cá nhân có quyền hưởng lợi từ họ, tên, bút danh của mình mà ra. Không ai được sử dụng họ, tên, bút danh giống hoặc tương tự tạo sự nhầm lẫn với họ, tên, bút danh của người nổi tiếng gây ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người nổi tiếng”.
Luật sư Vy lập luận, người nổi tiếng là người có tiếng tăm được nhiều người, nhiều vùng biết đến. Thực tế, có rất nhiều người bắt chước họ tên của người nổi tiếng gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và quyền lợi vật chất của người nổi tiếng. Chẳng hạn có một số nài ngựa lấy tên nghệ sĩ để đặt tên cho… ngựa, gây bức xúc trong giới nghệ sĩ.
Hoặc trường hợp ca sĩ ĐVH bắt chước gây nhầm lẫn với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Việc này đã gây nhầm lẫn đối với khán giả khi nhìn thoáng qua băng rôn quảng cáo. Do đó, nhà làm luật cần cân nhắc về các trường hợp hạn chế sử dụng tên, nghệ danh, bút danh của người nổi tiếng vì mục đích thương mại hay vì sự nổi tiếng trong sự nghiệp (trừ trường hợp đặt tên lần đầu, tức tên khai sinh của người sử dụng).
Có nên cấm sử dụng họ tên, bút danh của người nổi tiếng hay không. |
Theo luật sư Vy, về phương diện kinh tế, một cá nhân còn có quyền hưởng lợi ích vật chất do chính họ tên của mình đem lại như các nghệ sĩ, luật sư, bác sĩ nổi tiếng (tương tự như doanh nghiệp được hưởng lợi do thương hiệu uy tín của mình). Đặc tính pháp lý của họ tên là không thể mua bán, chuyển nhượng giữa người sống hoặc cho hưởng thừa kế. Họ tên không thể bị tiêu hủy hay phá bỏ như một tài sản vật chất và không thể có được hay mất đi bởi thời hiệu.
Hai luồng quan điểm
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận xét ý kiến của luật sư Vy là xác đáng vì họ tên, bút danh, nghệ danh... của một người ở góc độ nào đó là thương hiệu cá nhân của họ. Đặc biệt là giới hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhà văn, nhà thơ, nhà báo…, nếu không có cơ chế bảo vệ họ tên, bút danh thì rất dễ bị cá nhân, tổ chức khác lợi dụng để trục lợi. Vì vậy, BLDS không nên chỉ dừng lại ở việc bảo vệ hình ảnh cá nhân mà cần mở rộng bảo vệ quyền nhân thân khác về họ tên, bút danh.
Tuy nhiên, hai luật sư Đặng Thành Trí và Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) lại không đồng tình với quan điểm này.
Theo luật sư Trí, cái gây ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người nổi tiếng không phải là họ tên, bút danh mà là “sản phẩm” được tạo ra từ con người có họ tên và bút danh đó. Ví dụ: cái tạo ra “lợi ích vật chất, tinh thần” cho Đàm Vĩnh Hưng không phải là từ cái tên Đàm Vĩnh Hưng mà là từ các “sản phẩm” (âm nhạc, phim ảnh, quảng cáo...) được tạo ra từ con người cụ thể mang tên Đàm Vĩnh Hưng. Các “sản phẩm” được tạo ra từ con người cụ thể có tên Đàm Vĩnh Hưng đó sẽ được bảo hộ chứ không phải họ tên Đàm Vĩnh Hưng.
Theo luật sư Trí, nếu quy định bảo hộ họ tên cá nhân thì sẽ rất chung chung, mơ hồ, khó xác định, dễ dẫn đến việc tùy tiện hoặc bất khả thi.
Còn luật sư Tuyến cho rằng chuyện trùng tên trong xã hội là rất bình thường, không thể cấm. “Như thế nào thì được gọi là người nổi tiếng? Cơ quan nào công nhận mức độ nổi tiếng? Người nổi tiếng được hưởng lợi, vậy hưởng lợi cái gì? Nên chăng chỉ cần có quy định cấm người khác bắt chước hoặc nhái lại... những sáng tác, bài vở, kịch bản, giọng nói của người khác, trừ khi giọng nói có sự trùng hợp ngẫu nhiên thì hợp lý hơn” - luật sư Tuyến nói.
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng việc đặt tên, bút danh là quyền của mỗi người, không ai có quyền hạn chế: “Nhiều khi người ta lấy tên người nổi tiếng đặt tên cho con cưng, thú cưng của họ vì ái mộ, để tưởng nhớ. Chính tôi cũng đã đặt tên cho con chó của tôi là một lãnh tụ nước ngoài nổi tiếng mà tôi rất kính trọng. Tôi làm vậy không phải vì nghĩ xấu về ông mà do rất thần tượng ông, để tưởng nhớ đến ông”.
Trước thực tế có nhiều người bắt chước họ tên của ca sĩ nổi tiếng khi làm nghề, luật sư Sang nhận định “người tiêu dùng” cần phải tự nhận biết, phân biệt và điều này cũng không quá khó.
“Bây giờ thời buổi hiện đại, khi giới thiệu chương trình cho một người nổi tiếng người ta thường gắn kèm một bức ảnh nhân vật thật đẹp. Vì vậy chả ông ĐVH nào lại giống ảnh ông Đàm Vĩnh Hưng được mà lầm lẫn” - luật sư Sang nói.
Dự thảo quy định cụ thể hơn luật hiện hành
Theo Điều 26 BLDS năm 2005, cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 26 dự thảo BLDS (sửa đổi) có những quy định mới tiến bộ hơn, cụ thể hơn. Theo đó, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán... Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 bộ luật này.
Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. Cấm lợi dụng việc thay đổi họ, tên nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Argentina hạn chế người dân đặt tên con là Messi
Việc đặt tên con theo tên của những người nổi tiếng hay thần tượng đã trở nên phổ biến từ lâu ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Ở Argentina, vào những năm 1980 đã có rất nhiều đứa trẻ được đặt tên là “Maradona” (tương tự là hiện tượng “Spears” ở Mỹ).
Hiện nay, nhiều người dân Argentina đã đặt tên cho con mình là “Messi” nhằm thể hiện sự ngưỡng mộ với siêu sao bóng đá từng bốn lần giành Quả bóng vàng và hy vọng tương lai đứa trẻ sẽ thành công giống như anh. Trước tình hình có quá nhiều đứa trẻ bị trùng tên “Messi”, chính quyền TP Rosario đã ngăn chặn bằng cách ra một đạo luật cấm lấy tên “Messi” để đặt tên cho trẻ sơ sinh.
Ở một số vùng khác như Rio Negro, nếu muốn lấy “Messi” làm tên đệm hay tên thường gọi thì phải có... giấy phép của chính quyền địa phương. Lần gần đây nhất, một đứa trẻ Argentina được mang tên Messi là bé Messi Daniel Varela (ra đời cách đây ba tuần). Đạo luật oái oăm này đang bị nhiều người dân Argentina phản đối.