Liên quan đến lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiến hành thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng.
Hà Nội luôn đau đầu về tình trang bùng nổ phương tiện cá nhân. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Sắp tới, thành phố nghiên cứu thí điểm tại một trong hai tuyến đường là Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy và Thanh Xuân) hoặc Nguyễn Trãi (quận Hà Đông). Ở hai tuyến này, người dân có thể sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hệ thống xe buýt, trong đó có buýt nhanh BRT 01. Nếu chỉ thí điểm tại một tuyến đường, người dân có thể chọn đi đường khác hoặc đi bộ thay vì đi xe máy.
Đến thời điểm cấm xe máy vào nội ô Hà Nội, người dân có thể sử dụng các phương tiện khác như ôtô, xe đạp, đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, buýt nhanh BRT kết hợp với đi bộ để di chuyển.
Xe đạp
Xe đạp là phương tiện cá nhân giá rẻ, phù hợp đối với những trường hợp không đủ điều kiện kinh tế để sở hữu ôtô. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe đạp cũng mang lại khá nhiều lợi ích như không có khí thải ra môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng và tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Tốc độ di chuyển trung bình của xe đạp khoảng 15 km/h, trong khi tốc độ cho phép của xe máy trong đô thị là 50 km/h. Nếu cùng di chuyển quãng đường 5 km trong nội ô Hà Nội, xe đạp mất khoảng 20 phút trong khi xe máy chỉ mất 6 phút.
Xe đạp cũng mang lại khá nhiều lợi ích như giúp giảm lượng khí thải ra môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Ảnh: Việt Hùng. |
Việc di chuyển bằng xe đạp tốn nhiều thời gian nên không phù hợp với những quãng đường xa. Xe đạp cũng gây bất tiện khi người điều khiển đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, việc bạn di chuyển bằng xe đạp giữa nơi toàn các loại xe lớn và hiện không có làn đường riêng sẽ tăng mối nguy hiểm cho bản thân.
Hiện tại, một chiếc xe đạp phổ thông có giá từ 2 triệu, mức phí giữ xe tại trung tâm Hà Nội khoảng 3.000 đồng/ngày, phí tháng là 70.000 đồng. Chi phí bảo trì, sửa chữa xe đạp cũng phù hợp với túi tiền người lao động.
Ôtô
Ôtô là phương tiện cá nhân thay thế xe máy phù hợp cho những người có điều kiện kinh tế khá giả. Trên thế giới, ôtô cũng là phương tiện cá nhân phổ biến hàng đầu.
Ưu điểm của ôtô là sự tiện dụng và an toàn. |
Trên thị trường ôtô Việt, mẫu xe rẻ nhất hiện nay có giá khoảng 300 triệu đồng. Mỗi tháng, chiếc ôtô sẽ tiêu tốn số tiền trung bình khoảng 5-6 triệu đồng, bao gồm chi phí nhiên liệu, phí rửa xe, gửi xe, phí bảo dưỡng và các chi phí khác.
Ưu điểm của ôtô là sự tiện dụng và an toàn. Chiếc xe có thể chở cả gia đình, chở hàng, giúp bạn tránh những ảnh hưởng từ thời tiết và bụi bẩn ở đường phố.
Ngoài chi phí hàng tháng cao hơn nhiều so với xe máy, sử dụng ôtô cũng mang lại một số bất tiện do điều kiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa đáp ứng tốt. Tìm bãi đỗ ôtô khó khăn cùng với ùn tắc giao thông là những bất tiện lớn nhất của ôtô tại Hà Nội. Ngay ở thời điểm hiện tại, ôtô cũng tốn gấp đôi thời gian di chuyển so với xe máy.
Ôtô con vẫn gây ra tình trạng tắc nghẽn dù không có xe máy. Ảnh: Ngọc Tân. |
Mục đích chính của việc cấm xe máy là hạn chế phương tiện cá nhân, khuyết khích sử dụng phương tiện công cộng, nên ôtô về cơ bản cũng không phải là một lựa chọn tốt nhất. Tại Hà Nội, ôtô con dù chỉ chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm tới 42,18% diện tích mặt đường, vì vậy nếu có quá đông người chuyển sang sử dụng ôtô sau khi xe máy bị cấm trong nội đô, việc ùn tắc vẫn tiếp tục diễn ra và thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong đô thị, tốc độ tối đa cho phép của ôtô và xe máy là như nhau. Tuy nhiên, xe máy có kích thước nhỏ gọn, dễ luồn lách nên xe máy sẽ cho thời gian di chuyển tốt hơn ôtô trong khu đông dân cư.
Xe buýt
Đây là phương tiện được khuyến khích sử dụng nếu xe máy bị cấm, đặc biệt là những nơi có mật độ giao thông cao như Hà Nội. Từ lâu, các lợi ích của xe buýt được tuyên truyền khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Lợi ích đáng kể nhất là giảm được phương tiện cá nhân và tiết kiệm chi phí đi lại dù bạn được hưởng không gian như một chiếc ôtô. Chưa kể loại hình xe buýt nhanh BRT đã được áp dụng, với làn đường hoạt động riêng, giảm lo ngại vấn đề tốn thời gian do ùn tắc giao thông.
Xe buýt nhanh BRT đã được áp dụng, giúp loại bỏ vấn đề tốn thời gian do ùn tắc giao thông. Ảnh: Việt Linh. |
Nhìn vào thực tế hiện nay, xe buýt không hoàn hảo như tuyên truyền. Vấn nạn móc túi, xâm hại trên xe buýt xảy ra thường xuyên và ý thức sử dụng phương tiện công cộng của người dân không cao.
Hiện tại, các tuyến xe buýt đã phủ đầy nội đô Hà Nội với giá vé từ 7.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, phương tiện này chưa thực sự tiện lợi, khi mất nhiều thời gian để di chuyển, tiện nghi không cao và mạng lưới cũng chưa tốt để có thể thay thế xe máy. Ngoài ra, người dân hễ ra đường là sử dụng xe máy nên lười đi bộ, vì vậy hiện tại xe buýt vẫn chưa được ưa chuộng.
Hi vọng đi cùng với lộ trình cấm xe máy, một lộ trình phát triển hệ thống xe buýt cũng sẽ được thực hiện song song, để người dân Hà Nội có thể dễ dàng làm quen với môi trường giao thông không dùng xe máy.
Đường sắt trên cao
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được vận hành thử nghiệm trên đường ray từ tháng 8/2018. Sau thời gian chạy thử nghiệm tàu từ 3 đến 6 tháng, tuyến đường sắt này sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Khi đó, đường sắt trên cao cũng sẽ là phương án thay thế cho xe máy.
Tất cả các đoàn tàu của tuyến đường sắt này đều chạy bằng điện nên không thải khí độc gây ảnh hưởng đến môi trường. Loại phương tiện này còn hạn chế đáng kể tiếng ồn, giúp bảo vệ không gian sống cho người dân xung quanh. Tương tự xe buýt, tàu metro còn giải quyết vấn đề liên quan đến phương tiện cá nhân.
Dù tốc độ trung bình chỉ khoảng 35 km/h nhưng do không có chướng ngại vật nên tàu metro sẽ có lợi thế về thời gian di chuyển qua các khu đông dân cư hơn xe máy.
Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến phương tiện cá nhân. Ảnh: Việt Linh. |
Bên cạnh đó, loại hình giao thông này có vài điểm bất tiện. Tuyến đường sắt trên cao hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân trong nội thành Hà Nội, và để sử dụng được, người dân cần kết hợp với các phương tiện khác như xe buýt, xe máy hay xe đạp. Các nhà ga hiện tại vẫn chưa có điểm gửi xe máy, xe đạp cho hành khách.
Đi bộ
Dù đây không phải là phương tiện giao thông nhưng đi bộ là loại hình di chuyển khá phổ biến tại các nước phát triển. Ngoài việc nâng cao sức khỏe, đi bộ còn giúp giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm.
Người dân Hà Nội đi bộ tại phố đi bộ Hồ Gươm dịp cuối tuần. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Phương thức đi bộ thường sử dụng đi kèm các phương tiện giao thông công cộng. Nêu nâng cao được thói quen đi bộ, người dân hoàn toàn có thể kết hợp tốt với xe buýt và đường sắt trên cao để di chuyển, mà không cần sử dụng xe máy.
Tốc độ đi bộ trung bình của người trưởng thành là khoảng 5 km/h nên phạm vi cho việc đi bộ thường ngắn hơn 2 km. Trừ những người đi bộ tập thể dục hoặc đi bộ tham quan, không ai muốn tốn 1 giờ đồng hồ chỉ để đi bộ để nơi làm việc.