Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cảm xúc trái ngược của du học sinh khi lần đầu đón Tết xa nhà

Đón Tết ở một đất nước mới, Anh Tú cảm thấy không trọn vẹn vì phải xa bố mẹ, còn Minh Khánh lại hào hứng vì sắp có những trải nghiệm mới.

Anh Tú tham gia chương trình gói bánh chưng cùng hội du học sinh ở Lyon (Pháp). Ảnh: NVCC.

Tết Nguyên đán là dịp để các gia đình đoàn viên, quây quần sau một năm dài học tập và làm việc. Nhưng với những học sinh đang du học ở châu Âu, châu Mỹ, Tết cũng chỉ là một ngày bình thường trong năm. Vào ngày đó, các bạn vẫn phải đi học, đi làm, không có gì thay đổi.

Đối với Trương Anh Tú (sinh năm 2003) và Lê Minh Khánh (sinh năm 2002), Tết Nguyên đán 2024 đánh dấu cột mốc “lần đầu tiên” của cả hai. Đây là năm đầu tiên Tú và Khánh đón Tết xa nhà, không được ở bên bố mẹ vào đêm giao thừa.

Dù chung "cảnh ngộ", hai nam sinh lại có những cảm xúc và suy nghĩ hoàn toàn trái ngược.

Người buồn vì xa nhà, người hào hứng vì đón Tết kiểu mới

Trao đổi với Tri thức - Znews, Anh Tú cho biết cậu đang là du học sinh trao đổi tại trường Kinh doanh IDRAC ở Lyon (Pháp). Ban đầu, khóa trao đổi của Tú có 4 du học sinh Việt Nam, nhưng hiện chỉ còn một mình cậu.

Lý do là khóa trao đổi sinh viên chỉ cần đăng ký một kỳ học, riêng Tú lại đăng ký 2 kỳ từ cuối tháng 9/2023 đến tháng 5/2024. Do đó, Tết Nguyên đán 2024 là năm đầu tiên cậu đón Tết xa Việt Nam và không có bạn cùng trường bên cạnh.

du hoc sinh don tet anh 1

Anh Tú (bên trái) đón Tết xa nhà nhưng vẫn được gói bánh chưng như hồi sống ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Anh Tú nói rằng bản thân cậu chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đón Tết xa nhà. Gần 6 tháng đi du học, lại phải đón Tết ở một đất nước mới, nam sinh cảm thấy rất khác vì những ngày cận Tết, đường phố ở nước bạn không có gì thay đổi.

Nam sinh không được thấy cảnh các gia đình trang hoàng nhà cửa đón Tết, cũng không được cảm nhận sự vội vã của mọi người qua những chuyến xe chở hàng, những chuyến xe chở đồ sắm Tết.

“Không trọn vẹn” cũng là điều mà Anh Tú nói về lần đầu đón Tết xa bố mẹ. Cậu vừa vui vì sẽ có những trải nghiệm mới, nhưng cũng vừa buồn vì lo rằng bố mẹ ở nhà không có ai phụ giúp dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày Tết. Những ngày này, gần như ngày nào nam sinh cũng gọi về nhà hỏi thăm tình hình đón Tết của gia đình ở Việt Nam.

“Thấy mình gọi về thì bố mẹ cũng chỉ động viên và đề cập những điều tích cực. Mình biết bố mẹ nhớ mình nhưng bố mẹ sẽ tránh nói nhớ con, cũng ít khi đề cập chuyện chuẩn bị Tết để không làm mình buồn và nhớ nhà”, Anh chia sẻ.

Trong khi Anh Tú cảm thấy không trọn vẹn vì không được đón Tết ở Việt Nam, Minh Khánh, thực tập sinh ngành Quản trị khách sạn tại Mỹ, lại khá hào hứng vì lần đầu được đón Tết ở nơi đất khách.

Cũng giống như ở Pháp nơi Anh Tú đang sống, Mỹ không đón Tết Nguyên đán nên gần như Minh Khánh không cảm nhận được Tết đang đến gần. Hơn nữa, nơi nam sinh ở Không có người Việt, cậu lại càng cảm thấy lạ lẫm hơn.

du hoc sinh don tet anh 2

Minh Khánh vẫn ổn dù lần đầu đón Tết xa nhà. Ảnh: NVCC.

Dù không cảm nhận được không khí Tết, Minh Khánh vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho năm đầu đón Tết xa nhà. Hiện tại, nam sinh không có kết hoạch trang trí hay nấu đồ ăn Việt vì khá bận với việc thực tập. Hơn nữa, quan điểm của nam sinh là “nhập gia tùy tục” nên cậu quyết định thử tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa của người Mỹ để cảm nhận sự khác biệt giữa văn hóa hai nước.

Minh Khánh vẫn ổn với cái Tết xa quê, nhưng cậu biết chắc rằng mẹ đang rất buồn. Nam sinh cho biết đây cũng là năm đầu tiên bố mẹ cậu đón Tết thiếu hai con trai vì cả hai đều đi du học.

“Hai anh em mình đều đang học ở nước ngoài nên mình nghĩ bố mẹ sẽ buồn chút thôi, còn lại thì vẫn rất tự hào về chúng mình. Anh em chúng mình cũng động viên nhau là học tốt, hoàn thành sớm chương trình rồi sẽ nhanh nhanh về nhà rồi cùng bố mẹ đón những cái Tết sắp tới”, Minh Khánh chia sẻ.

Xa nhà nhưng sẽ không xa Tết

Dù không được đón Tết với bạn cùng trường vì các bạn đã về nước, Anh Tú vẫn không cảm thấy trống vắng vì năm nay cậu sẽ đón Tết Nguyên đán cùng bạn bè trong hội sinh viên Việt Nam tại Lyon (trực thuộc hội sinh viên Việt Nam tại Pháp).

Theo đó, Tú cùng các bạn trong hội sẽ cùng gói bánh chưng và tổ chức liên hoan vào ngày mùng một Tết.

du hoc sinh don tet anh 3

Dù ở Pháp, hội du học sinh vẫn tìm đủ nguyên liệu để gói bánh chưng. Ảnh: NVCC.

Về sự kiện nấu bánh chưng, hội du học sinh sẽ cho sinh viên đăng ký để ước tính lượng người tham gia. Giống như các năm trước, số lượng sinh viên tham gia gói bánh chưng khá đông, khoảng 20-30 người.

Nói thêm về việc gói bánh chưng, Anh Tú cho biết hoạt động này tưởng không khó mà khó không tưởng vì nguyên liệu rất khó mua, nhất là lá dong. Để gói được 100 chiếc bánh chưng cho dịp Tết năm nay, hội du học sinh đã phải chi 120 euro (gần 130 USD) để mua 8 kg lá dong gói bánh.

Nấu bánh chưng ở Pháp cũng khác Việt Nam vì Pháp cấm đốt củi. Vì thế, Tú cùng các bạn phải nấu bằng bếp ga, nhưng may mắn thành quả vẫn rất ổn.

Ngoài nấu bánh chưng, hội du học sinh sẽ cùng nhau mua nguyên liệu để nấu các món ăn Việt Nam cho bữa tiệc liên hoan hôm mùng 1 Tết. Anh Tú cho biết cả hội thống nhất mua đồ tự nấu để tiết kiệm chi phí và cũng ngon hơn, dù đôi khi tìm nguyên liệu nấu đồ Việt ở Pháp cũng hơi khó.

du hoc sinh don tet anh 4

Hội du học sinh của anh Tú được nhiều gia đình người Việt hỗ trợ đồ trang trí Tết. Ảnh: NVCC.

“Sự kiện của bọn mình không giới hạn người tham gia nên các bạn người nước ngoài cũng có thể tới dự. Bọn mình còn được các cô chú người Việt sống tại Pháp tặng một số món đồ trang trí Tết nên nhìn chung cái Tết của bọn mình cũng không quá đơn sơ”, Anh Tú nói.

Trái với hoạt động đón Tết nhộn nhịp của Anh Tú, nơi Minh Khánh sống và thực tập không có hội du học sinh Việt Nam nên cậu sẽ chỉ trải qua Tết Nguyên đán 2024 với bạn cùng nhà.

Xác định sẽ chỉ trải qua ngày Tết bình thường như bao ngày khác, Khánh và bạn không định đi chợ mua nguyên liệu nấu đồ Việt, cũng không có kế hoạch đi chơi quá xa. Nam sinh dự định xin nghỉ vào ngày mùng một Tết. Nếu được duyệt, cậu sẽ ở nhà và gọi điện về nhà để đón Tết online cùng bố mẹ.

Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, cả Anh Tú và Minh Khánh có những cảm xúc và trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Nhưng hai nam sinh đều nhận ra rằng từ mùa Tết này, cả hai đã trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều.

Hai nam sinh dự kiến hoàn thành việc học và thực tập đúng hạn, sau đó trở lại Việt Nam để hoàn tất chương trình học đại học trong nước.

Có thể thời gian tới, Tú và Khánh sẽ lại rời Việt Nam để học tập và làm việc, sẽ phải đón thêm những cái Tết xa quê. Dù vậy, cả hai đều tin rằng Tết xa quê có thể buồn đôi chút, nhưng đó đều là những trải nghiệm đáng giá và khó quên.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Giáo viên nước ngoài sốc văn hóa khi lần đầu đón Tết Việt Nam

Cô Laroma Sophia Lydia (người Phần Lan) sốc vì cứ đến Tết là đường phố vắng tanh, còn thầy O'meara Luke Edward (người Australia) bất ngờ vì người Việt đón Tết với quy mô quá lớn.

Thái An

Bạn có thể quan tâm