“Khi nghe về số tiền phải bỏ ra, tôi đã nghĩ ‘thôi, học hành gì, tự dưng đang yên đang lành mang cục nợ vào thân’. Tôi may mắn có gia đình hỗ trợ, nhưng học kinh tế, làm kinh doanh, nên tôi không muốn tiêu xài thiếu cân nhắc. Lúc đấy, thậm chí, tôi còn nghĩ lấy 2 tỷ đồng đi mua đất có khi còn lời hơn, lại không phải vất vả”, Đặng Lan Anh chia sẻ về băn khoăn trước khi quyết định sang Singapore học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).
Sau đó, cô nói chuyện với rất nhiều bạn cùng lớp và có góc nhìn mới. Nhiều người coi việc bỏ tiền ra học MBA là khoản đầu tư, còn cô lại đang xem nó là chi phí. Sau khi cân nhắc, Lan Anh “chốt” làm hồ sơ ứng tuyển rồi trúng tuyển ĐH Quốc gia Singapore - ngôi trường hàng đầu châu Á.
Lan Anh từng phân vân nhiều khi nghĩ về khoản tiền bỏ ra để học MBA. Ảnh: L.A. |
Đầu tư khoảng 2 tỷ đồng
Trước khi đi học, Lan Anh có 6 năm đi làm. Công việc lúc đó của cô vẫn tốt, mức lương ổn, đồng nghiệp vui vẻ, sếp hỗ trợ. Lan Anh cũng phân vân về việc có cần phải bỏ tiền ra đi học MBA hay không.
Cô từng nghĩ học thêm cũng chỉ vậy, kiến thức chừng đó và có thể tìm hiểu trên Internet. Sau thời gian học đại học và đi làm, cô thậm chí thấy những gì mình học không liên quan đến công việc. Trong khi đó, chi phí để học MBA tại ĐH Quốc gia Singapore không hề nhỏ.
Nhưng khi đã quyết định đi học, sau 4 tháng tại NUS, cô thay đổi suy nghĩ. Đương nhiên, số tiền bỏ ra vẫn không ít và khoản đầu tư này cũng có rủi ro.
Lan Anh cho biết để đến Singapore, du học sinh phải bỏ một khoản tiền nhất định làm visa, khám sức khỏe… Đây là những chi phí nhỏ. Số tiền cần chi lớn nhất là học phí và sinh hoạt phí.
Đặng Lan Anh nhập học năm 2021, học phí lúc đó là 68.000 dollar Singapore (SGD). Năm 2022, con số này tăng lên 76.000 SGD. Lan Anh cũng lưu ý thêm điểm này cho những ai có ý định du học MBA tại NUS. Học phí năm sau có thể tăng hoặc không, sinh viên cần theo dõi thông tin trên web trường để nắm.
Sinh hoạt phí là khoản không cố định, phụ thuộc vào khả năng tài chính, mức độ chi tiêu của từng người.
Việc thuê nhà ở bên ngoài có thể dao động trong khoảng 600-2.000 SGD, tùy theo hình thức chỗ ở và có cùng bạn bè thuê chung để chia tiền nhà hay không.
Theo Lan Anh, lựa chọn hợp lý nhất là ký túc xá với tiền thuê nằm ở khoảng giữa, tầm 1.000 SGD/người/tháng. Nếu lựa chọn ăn uống hàng ngày ngay ở ký túc xá, chi phí cho khoản này nằm ở mức 15 SGD/người/ngày, tức khoảng 450 SGD/tháng.
Ngoài ra, du học sinh còn cần chi cho đồ dùng cá nhân (100 SGD), thỉnh thoảng đi ăn bên ngoài hay đi chơi (100 SGD). Như vậy, với lựa chọn này, mỗi tháng, sinh viên cần bỏ khoảng 1.650 SGD.
“Đương nhiên, sinh hoạt phí sẽ cao hơn đối với những bạn thường xuyên ăn ở nhà hàng, đi chơi, du lịch. Đây là mức cơ bản, ổn và phổ biến”, Lan Anh chia sẻ.
Chương trình MBA tại NUS kéo dài 17 tháng, tức sinh hoạt phí rơi vào 28.000 SGD. Như vậy, chi phí để có tấm bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ ngôi trường hàng đầu châu Á là 104.000 SGD, tức 1,75 tỷ đồng.
Ngoài 2 khoản trên, du học sinh còn cần chi tiền cho vé máy bay, quần áo, máy tính, máy ảnh, đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Vì thế, Đặng Lan Anh ước tính cần 2 tỷ đồng cho 17 tháng học MBA tại NUS.
Lan Anh cho rằng việc gánh khoản nợ khi du học sẽ trở thành động lực để sinh viên cố gắng. Ảnh: L.A. |
Nhiều cách trang trải chi phí du học
Đặng Lan Anh không du học theo diện học bổng. Dù vậy, cô cũng tìm hiểu các nguồn hỗ trợ tài chính nếu muốn theo học MBA ở ĐH Quốc gia Singapore.
Nữ sinh cho hay thông thường, du học sinh chương trình MBA đã có 4-5 năm kinh nghiệm, làm việc tại vị trí quản lý, đóng góp nhất định cho công ty. Vì vậy, một số công ty tài trợ cho nhân viên đi học MBA kèm theo điều kiện như thành tích nổi bật, cam kết học xong về làm lại.
Mức hỗ trợ tùy chính sách công ty song tương đối cao, có thể là toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, thậm chí tài trợ cho gia đình đi theo.
Ngoài ra, NUS có học bổng cho người học MBA, chủ yếu mức 10-20% học phí. Học bổng này thường kèm điều kiện sinh viên phải đạt mức điểm nào đó trong quá trình học, như GPA tối thiểu 2,5/4.
Bên cạnh đó, một số tổ chức cũng tài trợ cho sinh viên Việt Nam học MBA. Lan Anh gợi ý khi được nhận vào NUS, du học sinh có thể chủ động gửi mail, nhờ trường giới thiệu học bổng họ có thể đăng ký.
“Tôi thấy học bổng MBA ở NUS ít cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì thế, nếu nhắm tới trường có nguồn học bổng dồi dào, tôi nghĩ đây không phải lựa chọn phù hợp”, Lan Anh nhận định.
Nếu gia đình, bản thân không thể tự lo chi phí, cũng không có công ty tài trợ hay nhận học bổng nào, Lan Anh gợi ý có thể vay đi học. Cô cho hay một số tổ chức cho du học sinh vay đến 90% học phí, sinh hoạt phí với lãi suất thấp và không cần chứng minh tài chính.
Trong trường hợp vay để du học, Đặng Lan Anh cho hay theo số liệu của trường, sinh viên MBA sau khi tốt nghiệp sẽ có công việc với mức lương trung bình 8.000 SGD/tháng. Nếu tăng mức sống lên 50% so với thời đi học, tức tiêu tầm 2.500 SGD/ tháng, mỗi tháng, một người còn dư tầm 5.000 SGD. Tích cóp khoảng 2 năm, hoặc 3 năm để trừ hao, họ có thể trả hết nợ.
Lan Anh thừa nhận coi việc gần 2 tỷ đồng đi học MBA là khoản đầu tư, du học sinh vẫn đứng trước rủi ro. Tuy nhiên, cô chứng kiến nhiều người nhờ khoản nợ đó mà cố gắng học hành, xin việc, làm hết mình, biến trải nghiệm 17 tháng tại NUS thành khoản đầu tư có lời.
Ngoài ra, nữ sinh cho biết trong thời gian học, du học sinh có thể làm thêm để trang trải kinh phí học tập, sinh hoạt hoặc tranh thủ du lịch khi sống ở đây.
Lan Anh chia sẻ du học sinh MBA thường kiếm công việc thực tập tại các công ty. Theo quy định, mỗi người được làm việc 16 tiếng/tuần trong thời gian học và làm toàn thời gian dịp nghỉ hè.
Lương thực tập dao động trong khoảng 1.000-2.500 SGD. Trong đó, lương thực tập MBA rơi vào 2.000-2.500 SGD. Tuy nhiên, cơ hội này không nhiều và khó xin. Sinh viên MBA tại NUS có lợi thế hơn vì trường danh tiếng.
Nếu không, du học sinh có thể chấp nhận cạnh tranh cơ hội thực tập với sinh viên hệ đại học, mức lương khoảng 1.000 SGD. Song Lan Anh cho rằng vị trí như vậy thường không mang lại kinh nghiệm cần thiết cho công việc sau này.