Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất.
Vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh nên dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với các dịch tiết khi bệnh nhân ho, xuất tiết mũi, hoặc qua nước bọt… Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng.
Ông Phu cho hay, tại nước ta, trước đây, viêm màng não do não mô cầu xuất hiện gây thành dịch, song hiện nay, chỉ còn xuất hiện các ca bệnh rải rác, chủ yếu xuất hiện ở miền núi. Bệnh xảy ra chủ yếu vào mùa xuân.
Lý giải nguyên nhân bệnh viêm màng não mô cầu giảm so với thời gian trước, chuyên gia cho hay bởi việc vệ sinh, yếu tố môi trường và ý thức phòng bệnh của người dân tốt hơn khiến nguồn bệnh giảm đi. Ngoài ra, việc điều trị cho bệnh nhân đã hiệu quả hơn, ngăn chặn tình trạng lây lan.
Nguy cơ lây nhiễm cao
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Phòng Tư vấn tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, bất kỳ ai đều có khả năng bị viêm màng não, trong đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Đặc biệt, các tiếp xúc hàng ngày như hôn, dùng chung dụng cụ, bát đũa, cốc, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh viêm màng não do não mô cầu. Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.
Những triệu chứng này khá giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Do đó, bệnh khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Trong khi đó, nhiễm não mô cầu có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ vì bệnh tiến triển rất nhanh.
Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.
Biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, trước hết, người dân cần phải hực hiện tốt vệ sinh cá nhân với những lưu ý đơn giản như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh cần chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Hiện vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
“Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Mới đây, bệnh nhân Đỗ Thị X. (sinh năm 1998) là học sinh lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh (Hải Dương) đã tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu. Đây là ca bệnh sau hơn 10 năm không ghi nhận dịch bệnh này tại Hải Dương. Hiện có gần 50 trường hợp là người thân và học sinh cùng lớp với học sinh tử vong được theo dõi sức khỏe do căn bệnh này là bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
Trước khi tử vong 2 ngày, học sinh X. chỉ bị sốt nhẹ, đau đầu. Khoảng 19h cùng ngày, em đi vệ sinh thì bị ngã. Gia đình đã đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương nhưng không qua khỏi.