Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh khiến 17.000 người Việt chết mỗi năm

Lao là căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nguy hiểm hơn, bệnh ở trẻ em tiến triển nhanh hơn và khó phát hiện hơn người lớn.

Tại lễ khởi động dự án “Hơi thở cuộc sống” ngày 24/2, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) cho hay, lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 17.000 người chết mỗi năm.

Trong đó, trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt. Số liệu gần đây cho thấy hàng năm có tới 90% trẻ em mắc lao mới chưa được phát hiện. Bệnh lao ở trẻ em tiến triển nhanh hơn và khó phát hiện hơn ở người lớn.

“Không ai đáng chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta cần hợp tác để cùng kết thúc bệnh dịch này”, PGS Nhung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhung, năm 2015, cả nước phát hiện trên 2.400 trường hợp nhiễm lao ở trẻ em, còn con số chưa được phát hiện cao gấp nhiều lần.

BS Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi Nghệ An cho hay, Nghệ An là một tỉnh có địa bàn rộng, với gánh nặng bệnh lao cao. Hàng năm, Nghệ An phát hiện khoảng 2.800 ca mắc lao mới.

Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vắc xin BCG phòng lao. Vắc xin BCG chống chỉ định trong các trường hợp sau: Đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị lao là gầy, xanh xao, tái đi tái lại các bệnh đường hô hấp, ho, sốt,... Chính vì vậy, các ca nhiễm lao thường khó phát hiện do nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp.

Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo phác đồ của Chương trình chống lao Quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát).

 

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm