Tăng huyết áp là bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, gây tử vong hoặc tàn phế. Theo ước tính của WHO, hàng năm, khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp, 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó khoảng 9,4 triệu trường hợp không qua khỏi do biến chứng của tăng huyết áp.
Người mắc tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa
Tại Việt Nam, khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức trung bình cứ 5 người trưởng thành có một trường hợp mắc bệnh. Các bệnh tim mạch liên quan huyết áp đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam. Chúng chiếm tới 33% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa.
Theo báo cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam, khoảng 48% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Tỷ lệ người bị tăng huyết áp đang dần tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Viện Tim mạch năm 1960, tỷ lệ tăng huyết áp là 1% ở người trưởng thành, sau 30 năm tức năm 1992, con số này đã tăng lên 11%. Hiện theo kết quả điều tra năm 2015, tỷ lệ người bị cao huyết áp ở độ tuổi 18-69 là 18,9%, trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới.
Đa số người bệnh không có triệu chứng cơ năng, trừ biểu hiện thực thể là đo huyết áp thấy tăng. Khi huyết áp tăng quá cao, động mạch phải co giãn quá mức, gây ra những vết rách vi thể. Theo thời gian, những vết rách này biến thành mô sẹo, làm xơ cứng và giảm độ đàn hồi của động mạch. Mô sẹo này giữ lại tế bào máu và cholesterol lưu thông ngang qua, tạo nên các cục máu đông.
Các cơ quan đích mà tăng huyết áp gây tổn thương bao gồm tim, não, mắt, thận và mạch máu. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện tăng huyết áp khi đã có một số biến chứng như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, tăng huyết áp còn được ví như "kẻ giết người thầm lặng".
Tăng huyết áp khẩn cấp là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Quốc tế về tăng huyết áp (WHO-ISH), người trưởng thành được coi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính và ở mức độ nhất định mạch máu có khả năng hồi phục như ban đầu.
Tuy nhiên, khi huyết áp tăng cao vượt ngưỡng hay còn gọi là cơn tăng huyết áp khẩn cấp và cấp cứu gây ra những tổn thương nặng nề cho người bệnh. Thống kê cho thấy, điều trị hạ huyết áp cho 9 trường hợp sẽ ngăn ngừa được một người tử vong.
Tăng huyết áp khẩn cấp có thể chuyển thành tăng huyết áp cấp cứu với các triệu chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân phải nhập viện. Ảnh: BSCC. |
Tăng huyết áp khẩn cấp là trường hợp tăng huyết áp nặng nhưng hầu như không có triệu chứng hoặc tổn thương trên cơ quan đích và có thể được điều trị ngoại trú dùng thuốc đường uống. Đây chính là tác nhân gây hẹp, thậm chí làm tắc hoàn toàn động mạch, dẫn đến một số cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy và năng lượng.
Trong cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hầu hết người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ một số trường hợp xuất hiện nhức đầu, chóng mặt, lo lắng nhiều. Tăng huyết áp khẩn cấp từ một số nguyên nhân như cú sốc tâm lý, ngừng thuốc điều trị tăng huyết áp. Có thể cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, yên tĩnh 15-30 phút và theo dõi huyết áp liên tục đến khi huyết áp trở lại bình thường.
Nếu sau khoảng thời gian này, huyết áp của bệnh nhân không hạ dần sẽ có chỉ định dùng thuốc. Đồng thời, tùy vào mục tiêu hạ áp trên từng đối tượng, bác sĩ sẽ lựa chọn nhóm thuốc điều trị thích hợp.
Tăng huyết áp cấp cứu là trường hợp cấp tính phải được nhập viện để hồi sức cấp cứu và điều chỉnh giảm huyết áp kịp thời bằng đường tĩnh mạch để ngăn chặn những tổn thương vĩnh viễn cơ quan đích như:
- Tai biến mạch máu não: Nhồi máu não cấp, xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện.
- Tổn thương tim cấp tính: Hội chứng mạch vành cấp, bóc tách thành động mạch chủ, suy tim, rung nhĩ, phù phổi cấp.
- Tổn thương thận cấp tính: Suy thận cấp hoặc tổn thương mắt gây mù lòa.
Không có ngưỡng huyết áp đặc hiệu cho tăng huyết áp cấp cứu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, mức huyết áp tăng cao ≥ 180/120 mmHg được coi là tăng huyết áp cấp cứu. Nguyên nhân từ không kiểm soát tốt huyết áp như dùng thuốc không đủ liều, không phối hợp thuốc, tự ý bỏ thuốc, thuốc dùng kèm corticoid, chế độ ăn mặn, hẹp động mạch thận mới xuất hiện hoặc tiến triển,...
Trong cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hầu hết người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ một số trường hợp xuất hiện nhức đầu, chóng mặt, lo lắng nhiều. Ảnh: Uamshealth. |
Bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực nhiều, kích thích, đau đầu dữ dội kèm rối loạn ý thức, mờ mắt, buồn nôn, nôn, khó thở, co giật, gọi hỏi không đáp ứng.
Làm gì để không xảy ra tăng huyết áp khẩn cấp?
- Thay đổi lối sống.
- Có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Giảm ăn mặn (< 6 g muối hay một thìa cà phê muối mỗi ngày). Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu thừa cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
- Tuân thủ nghiêm ngặt thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ.
- Tái khám định kỳ và khi có những triệu chứng bất thường.
Bài viết do BS Đỗ Văn Chiến, điều dưỡng Đào Mạnh Hùng và Nguyễn Thị Phương, khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, cung cấp thông tin.