Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh đường hô hấp phổ biến nhất ở trẻ nhỏ

Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh gây ra các dấu hiệu như sốt, sổ mũi, khàn giọng, thậm chí khó thở.

Viêm đường hô hấp trên thường khiến trẻ bị ngạt mũi và ho đờm. Ảnh: Unilab.

Viêm đường hô hấp trên là vấn đề thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc đã mắc Covid-19. Đường hô hấp trên là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ mắc bệnh và gây ra tình trạng viêm nhiễm ở mũi, hầu, họng, xoang hay thanh quản.

Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Theo ThS Bùi Ngọc Hà và TS Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), nguyên nhân khiến trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường là nhiễm virus như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), virus corona… hoặc các vi khuẩn như Hib hay phế cầu.

Đặc biệt, trong điều kiện thuận lợi như dị ứng thời tiết với nhiều loại dị nguyên khác nhau có trong không khí, khói bụi hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá, trẻ rất dễ mắc bệnh này.

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên gồm trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, môi trường sống ẩm thấp, kém vệ sinh…

Triệu chứng của bệnh đa dạng như:

- Ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng, thở rít, khó thở.

- Sốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nôn, có thể đi ngoài phân lỏng.

- Da có thể phát ban.

- Ngứa, đau mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc…

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn và không được điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi) với những triệu chứng gồm khó thở, thở nhanh, thở rít, rút lõm lồng ngực…

viem duong ho hap anh 1

Nếu trẻ bị ngạt mũi hoặc sổ mũi, cha mẹ có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý nhỏ vào 2 bên mũi để làm loãng dịch. Ảnh: Parenting.firstcry.

Cách xử trí tại nhà

Theo các bác sĩ, khi phát hiện trẻ có biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, cha mẹ nên cho bé đi khám để được bác sĩ đánh giá đúng tình trạng bệnh.

Nếu bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn để chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà:

- Khi sốt trên 38 độ C, cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol 15 mg/kg/liều, dùng lại sau 4 giờ nếu trẻ vẫn sốt trên 38 độ C. Trẻ nên nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, chườm mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm.

- Trong trường hợp bị ngạt mũi hoặc sổ mũi, cha mẹ nên lấy khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi cho trẻ. Để làm loãng dịch mũi, cha mẹ có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào 2 bên mũi, sau đó lấy tăm bông sạch để ngoáy hoặc hút bằng dụng cụ hút mũi. Đồng thời, phụ huynh nên đặt bé nằm cao đầu hoặc bế ở tư thế đứng song song với cơ thể.

- Nếu trẻ ho nhiều, gây nôn, khó chịu hay ảnh hưởng đến giấc ngủ, cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược an toàn hoặc theo đơn của bác sĩ. Đối với trường hợp ho đờm, việc khum bàn tay vỗ nhẹ lưng bên trái và bên phải, mỗi bên vỗ 3-5 phút cũng giúp trẻ bài tiết đờm. Lưu ý, cha mẹ không nên vỗ trước khi ăn hoặc sau khi ăn 2 giờ để tránh trẻ bị nôn.

- Giữ ấm, vệ sinh thân thể và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không hút thuốc hay đun bếp than trong phòng trẻ.

- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Trẻ bú mẹ vẫn có thể bú theo nhu cầu hoặc bú nhiều lần hơn so với bình thường. Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt và chia thành nhiều bữa trong ngày. Ngoài ra, mỗi bữa ăn nên tăng cường rau xanh, trái cây, cho trẻ uống nhiều nước lọc và nước hoa quả.​​

Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu phát hiện các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Trẻ bỏ bú hoặc không chịu ăn uống.

- Trẻ nôn nhiều hay co giật.

- Trẻ quấy nhiều hay mệt, li bì, khó đánh thức.

- Trẻ có một trong những dấu hiệu như thở nhanh, thở rít hay khò khè, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, tím tái (kể cả biểu hiện đỏ mặt hay tím tái trong cơn ho).

- Trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên hoặc sốt cao dày cơn, khó hạ.

- Trẻ ho ra máu.

Cách phòng bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ có thể ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ bằng cách:

- Cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

- Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch để ngừa một số bệnh viêm đường hô hấp như phế cầu, cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, haemophilus influenzae…

- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài và không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với người có mầm bệnh.

- Tạo môi trường sống trong lành cho trẻ, vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ thường xuyên.

- Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

9 dấu hiệu trẻ bị còi xương

Con tôi hiện 10 tháng tuổi nhưng chỉ nặng hơn 7 kg, kén ăn và tăng cân chậm. Tôi nghi ngờ bé bị còi xương. Xin hỏi bác sĩ trẻ còi xương có những dấu hiệu nào?

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm