![]() |
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và không qua khỏi do ung thư gan cao nhất thế giới. Ảnh: Pexels. |
Một buổi sáng sớm tháng 6, sau ca làm đêm tại nhà máy, anh Hoàng Minh Huy (35 tuổi, Phú Thọ) bất ngờ bị đau bụng dữ dội. Ban đầu, anh chỉ nghĩ đó là hậu quả của chế độ sinh hoạt thất thường và kiệt sức. "Chúng tôi làm việc 3 ca, ăn uống thất thường. Lúc cơ thể mệt mỏi, tôi nghĩ là chuyện thường thôi", anh chia sẻ.
Thế nhưng, chỉ sau vài giờ, triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Anh bắt đầu bị tức ngực, khó thở và không thể tự đi lại. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định anh đang trong tình trạng nặng, với một khối u lớn trong gan.
3 người trong một gia đình cùng mắc viêm gan B
Hoàng Minh Huy hiện được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Các bác sĩ cho biết nhiều khả năng ung thư gan của anh là hậu quả của viêm gan B mạn tính. Đây là căn bệnh anh mang từ nhỏ nhưng không được điều trị.
Điều đau lòng là cả mẹ và bà của anh đều mắc viêm gan B, nhưng chưa ai trong gia đình từng được tư vấn cụ thể về việc sàng lọc, điều trị hay phòng ngừa.
10 năm trước, Huy từng xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus viêm gan B, nhưng anh không theo dõi, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện tại. Giờ đây, anh biết rằng chẩn đoán và điều trị sớm, cũng như quản lý bệnh viêm gan B suốt đời có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư gan.
![]() |
10 năm trước, Huy từng xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus viêm gan B, nhưng anh không theo dõi. Ảnh: WHO / Việt Nam. |
Trên toàn thế giới, khoảng 90% ung thư gan là do viêm gan B và C không được điều trị. Tại Việt Nam, ung thư gan là nguyên nhân hàng đầu gây không qua khỏi do ung thư. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và không qua khỏi do ung thư gan cao nhất thế giới.
Ngoài ra, nước ta ước tính có hơn 7 triệu người mắc bệnh viêm gan B và C. Nói cách khác, cứ 15 người thì có một người mắc bệnh. Tình trạng này phổ biến hơn ở người trên 25 tuổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị này đã tiếp nhận rất nhiều ca viêm gan đã chuyển sang xơ gan hoặc ung thư gan vì người bệnh không hề biết mình mắc bệnh hoặc không theo dõi định kỳ.
"Bệnh này không có triệu chứng và tiến triển âm thầm nên bệnh nhân thường không cảm thấy gì. Khi có triệu chứng, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ngoài ra, nhiều người bị viêm gan đã mắc bệnh 10 hoặc 20 năm cảm thấy họ không cần phải đi khám bác sĩ định kỳ. Tuy nhiên, tôi khuyến khích những người đã mắc viêm gan nên tiếp tục theo dõi sức khỏe", bác sĩ Huy nói.
Bệnh có thể kiểm soát nếu hành động kịp thời
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thượng, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp và Bệnh nhiệt đới, khi xuất hiện triệu chứng như đau tức vùng hạ sườn phải, chán ăn, sợ mỡ, mệt mỏi, người bệnh cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là kiểm tra các bệnh lý về gan mật. Với người bệnh đã được xác định viêm gan B cần đo tải lượng virus mỗi 6 tháng 1 lần.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy trò chuyện với tài xế xe tải 63 tuổi ở Hà Nội đang điều trị viêm gan C. Ảnh: WHO / Việt Nam. |
Bên cạnh đó, những người có yếu tố nguy cơ, từng mắc viêm gan B, có người thân bị ung thư gan, xơ gan, cần tầm soát ít nhất mỗi năm một lần. Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng.
Viêm gan B không phải bệnh di truyền mà lây qua đường máu, tình dục không an toàn hoặc từ mẹ sang con. Nguy cơ lây nhiễm trong gia đình hoàn toàn có thể phòng tránh nếu trẻ được tiêm vaccine và huyết thanh kháng virus sau sinh.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh viêm gan là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị, nhưng vẫn gây ra tổn thất nặng nề về sức khỏe, tài chính và tinh thần.
"Chúng ta đã có vaccine phòng viêm gan B, có thuốc điều trị viêm gan C, nhưng vẫn thiếu sự tiếp cận. WHO kêu gọi Việt Nam mở rộng bảo hiểm y tế xã hội, giảm chi phí điều trị viêm gan C xuống còn 20% hoặc thấp hơn, sàng lọc viêm gan B trong thai kỳ và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng", tiến sĩ Angela Pratt nói.
Ngày 28/7, Ngày Viêm gan Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia hành động mạnh mẽ để xóa bỏ các rào cản khiến người bệnh không thể tiếp cận chẩn đoán và điều trị.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.