Trước đó, ngày 30/1, bé Trần G.H. (15 tuổi, Thừa Thiên - Huế) được chuyển đến bệnh viện với triệu chứng sốt nhẹ, ho, sổ mũi, đau nhức toàn thân, đi tiểu đỏ sậm màu, sau chuyển màu nâu đen.
Gia đình G.H. cho biết cháu không có tiền sử bệnh lý đặc biệt trước đây, chưa từng xuất hiện triệu chứng tương tự.
7 ngày điều trị
Thời điểm vào viện, G.H. có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao, đau nhức toàn thân, đau cơ, yếu cơ tay chân, đi tiểu đỏ sẫm. Các chỉ số xét nghiệm máu ban đầu cho thấy tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, chủ yếu ở gan, thận.
Đây là tình trạng bệnh lý nhiễm trùng, có tổn thương thận cấp tính với tiểu đỏ, tiểu sẫm màu và chỉ số hồng cầu, protein trong nước tiểu tăng rất cao.
Cháu H. nhập viện với biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao, đau nhức toàn thân, đi tiểu đỏ sẫm. Ảnh: BVCC. |
Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức hội chẩn khẩn toàn trung tâm.
Các xét nghiệm cho thấy tình trạng tiêu cơ vân rõ rệt với creatinin kinase tăng rất cao (449375 U/L), nồng độ myoglobin trong máu, trong nước tiểu tăng cao, tổn thương thận, gan kèm xuất hiện tổn thương phổi tiến triển với hội chứng đáp ứng viêm toàn thể.
Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị theo phác đồ xử trí tiêu cơ vân cấp tính (truyền dịch, kiềm hóa nước tiểu, điều chỉnh rối loạn điện giải), kháng sinh điều trị nhiễm trùng, corticoid đường tĩnh mạch, theo dõi sát lâm sàng, hội chẩn nhiều lần.
Trong quá trình điều trị, cháu H. sốc nhiễm trùng, tổn thương thận cấp tiến triển trong đó tổn thương ống thận cấp gây đa niệu, hoạt hóa hệ renin-angiotensin và hệ giao cảm gây tăng huyết áp nặng, nhịp tim nhanh, rối loạn điện giải, tổn thương gan nặng, tổn thương phổi tiến triển nặng hơn phải sử dụng kỹ thuật cao như thở máy không xâm lấn.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hết sốt, tình trạng nhiễm trùng, các tổn thương phổi, gan cải thiện, nước tiểu nhạt màu dần và trở về bình thường, tuy nhiên huyết áp còn chưa ổn định.
Bệnh nhân được chuyển đến đến khoa Nhi Thần kinh - Tự kỷ - Thận - Nội tiết, Trung tâm Nhi khoa theo dõi, điều trị cho đến khi các thông số ổn định và ra viện.
Tiêu cơ vân là gì?
Tiêu cơ vân là tình trạng hủy hoại tế bào cơ vân, giải phóng vào máu các thành phần của tế bào cơ bị phá hủy như myoglobin, kali, phospho, axit uric, creatinin kinase, AST, ALT…, gây ra các biến chứng, như tổn thương thận cấp; rối loạn điện giải; hội chứng chèn ép khoang, đông máu nội mạch rải rác.
Trẻ em có thể bị tiêu cơ vân do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, chấn thương nặng, bỏng, ngộ độc, côn trùng đốt, do hoạt động quá sức… Tùy vào lứa tuổi, chuyên gia sẽ định hướng nhóm nguyên nhân nào nhiều hơn.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế nhận định tỷ lệ trẻ em mắc tiêu cơ vân là rất hiếm.
Tỷ lệ mắc phải tiêu cơ vân thứ phát là 5-8%, tỷ lệ tử vong tầm 10% nếu không được điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân được chẩn đoán là có tiêu cơ vân, cần được nhập viện để truyền dịch, theo dõi sát lâm sàng, tư vấn kịp thời và làm xét nghiệm thường xuyên. Nhập viện khi bệnh nhân có rối loạn điện giải, loạn nhịp, hoặc tổn thương thận cấp cần lọc máu.
Theo ThS.BS Hồ Đăng Quân, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, tiêu cơ vân có 3 triệu chứng kinh điển là đau cơ, yếu cơ và nước tiểu sẫm màu. Mức độ và triệu chứng tiêu cơ vân tùy thuộc vào nguyên nhân.
Tổn thương thận cấp là một biến chứng nặng thường gặp của tiêu cơ vân, 13-46% bệnh nhân có tiêu cơ vân có tổn thương thận cấp. Các triệu chứng khác có thể gặp là sốt, nhịp tim nhanh, nôn, đau bụng, khó thở…
Việc phát hiện, chẩn đoán sớm sẽ giảm bớt được các tổn thương thận cũng như các biến chứng khác, cải thiện tiên lượng ở trẻ. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như đã nêu ở trên, gia đình nên đưa bé đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.