Nhiều lý do có thể dẫn đến tình trạng miệng bị chua. Ảnh: Dentistryatwindermere. |
Bạn có nhận thấy vị chua trong miệng gây khó chịu giữa các bữa ăn không? Hay cảm giác thèm ăn của bạn bị ảnh hưởng vì thức ăn không ngon như bình thường? Điều gì gây ra tình trạng này?
Dưới đây là những lý do phổ biến nhất là nguyên nhân gây ra vị chua trong miệng.
Mất nước
Tiến sĩ Amber Tully, bác sĩ y học gia đình tại Cleveland Clinic, cho biết trong một số trường hợp, vị chua trong miệng có thể đến từ nguyên nhân đơn giản như không uống đủ nước. Mất nước có thể khiến miệng bạn bị khô và làm thay đổi vị giác.
Cách khắc phục: Hãy cố gắng uống ít nhất 6-8 ly nước mỗi ngày để tăng cường hydrat hóa cho cơ thể. Hydrat hóa giúp loại bỏ mùi vị khó chịu trong miệng theo một số cách. Nó không chỉ giữ ẩm cho miệng mà còn khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Đi tiểu thường xuyên có thể giúp loại bỏ bất kỳ chất nào trong cơ thể góp phần gây ra các triệu chứng của bạn. Thêm một ít nước cốt chanh vào nước có thể giúp che đi mùi vị khó chịu trong miệng.
Hút thuốc
Đây là một trong những thủ phạm phổ biến khác. Thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong cao, mà còn làm giảm vị giác của bạn và có thể để lại vị chua hoặc khó chịu trong miệng.
Cách khắc phục: Thêm tác dụng phụ này vào danh sách các lý do để cố gắng bỏ hút thuốc. Bạn có thể nhai kẹo cao su khuyến khích miệng tiết ra nước bọt, giúp ngăn không cho miệng quá khô. Hương vị của kẹo cao su cũng có thể che đậy mùi vị khó chịu.
Những người hút thuốc cần bỏ thói quen xấu này vì có thể làm thay đổi vị giác của mình. Ảnh: Kauveryhospital. |
Không đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách
Vệ sinh răng miệng kém thường có thể gây ra vị chua trong miệng.
Cách khắc phục: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần. Và đừng bỏ qua việc làm sạch bằng nước súc miệng kháng khuẩn và kiểm tra răng miệng thường xuyên.
Nhiễm trùng hoặc bệnh tật
Khi bạn bị ốm (ví dụ cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang), vị giác có thể cảm nhận được những tác động ảnh hưởng. Khi bạn khỏe hơn, vị chua cũng sẽ biến mất.
Cách khắc phục: Giảm khả năng mắc bệnh hoặc nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên. Không để tay chạm vào mặt (đặc biệt là miệng, mũi và mắt). Và tất nhiên, tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh là điều quan trọng.
Thuốc
Đôi khi không phải do nhiễm trùng hay bệnh tật mà do loại thuốc bạn đang dùng để điều trị bệnh khiến miệng bạn có mùi khó chịu. Tiến sĩ Tully cho biết một số loại kháng sinh có thể gây ra vị chua. Các loại thuốc không kê đơn như thuốc kháng histamine cũng có thể gây ra vấn đề này. Đôi khi nó cũng là tác dụng phụ của xạ trị vùng đầu hoặc cổ hoặc hóa trị để điều trị ung thư.
Ít nhất 250 loại thuốc khác nhau có thể gây ra vị chua trong miệng. Hiệu ứng này có thể do:
- Thuốc tác động đến các thụ thể vị giác trong não như thế nào.
- Mùi vị của thuốc khi trộn với nước bọt.
- Một phân tử thuốc trong mạch máu của lưỡi tương tác với các thụ thể nụ vị giác.
Cách khắc phục: Bác sĩ cần phải loại trừ các nguyên nhân có thể khác gây ra vị chua trong miệng của bạn trước khi cho rằng đó là tác dụng phụ của loại thuốc bạn đang dùng. Nếu nguyên nhân là thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi liều lượng của mình - ví dụ: Uống thuốc vào ban đêm thay vì ban ngày.
Nếu bạn thấy có vị chua trong miệng do dùng thuốc ngắn hạn, chẳng hạn thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ muốn bạn cố gắng đợi hết cho đến khi điều trị xong. Không bao giờ ngừng dùng thuốc mà không hỏi bác sĩ.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Theo Very Well Health, nếu cơ mở và đóng lỗ mở giữa thực quản và dạ dày không đóng lại hoàn toàn sau khi bạn ăn, thức ăn và axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Đây là nguyên nhân phổ biến khác của vị chua hoặc khó chịu.
GERD cũng có thể gây ra các triệu chứng khác bao gồm ợ nóng, đau ngực, hôi miệng, nóng rát trong cổ họng, khó nuốt, cảm giác như có cục u trong cổ họng, ho, khàn tiếng.
Cách khắc phục: Bạn có thể giúp kiểm soát GERD bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, chẳng hạn giảm khẩu phần ăn, không ăn vài giờ trước khi đi ngủ và kê cao đầu khi nằm, bỏ thuốc.
GERD có thể gây ra vị chua trong miệng kèm theo tình trạng ợ nóng, đau ngực, hôi miệng... Ảnh: Livestrong. |
Thiếu kẽm
Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến miệng bạn có vị chua sau khi ăn. Vị chua do nguyên nhân này rất khó diễn tả, nhưng mọi người thường nói đó là vị "lạ", "không ngon".
Trong khi nguyên nhân chưa được làm rõ, kẽm làm tăng lượng protein gọi là gustin. Vì cơ thể sử dụng loại protein này để tạo ra các chồi vị giác, việc không có đủ protein này có thể dẫn đến vấn đề về vị giác.
Cách khắc phục: Nếu được chẩn đoán đúng là bạn bị thiếu kẽm, bạn có thể hấp thụ nhiều kẽm bằng cách thêm một số loại thực phẩm vào chế độ ăn uống hàng ngày, như động vật có vỏ, thịt đỏ, các loại đậu, trứng, sản phẩm bơ sữa.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Zing giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.