Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiểu đường thai kỳ khởi phát hoặc được chẩn đoán lần đầu tiên trong lúc mang thai. Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở mọi mức độ. Tiểu đường thai kỳ gây ra lượng đường trong máu cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Theo Webmd, khi bạn ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, loại hormone giúp chuyển hóa đường glucose thành năng lượng.
Khi bạn mang thai, nhau thai tạo ra các hormone xử lý glucose tích tụ trong máu. Thông thường, tuyến tụy sản xuất đủ insulin để xử lý glucose. Khi cơ thể không tạo đủ hoặc ngừng sử dụng insulin như bình thường, lượng đường huyết tăng lên và gây ra tiểu đường thai kỳ.
Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh. Nếu bị tiểu đường thai kỳ, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn.
Ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ?
Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Thừa cân và béo phì
- Thiếu hoạt động thể chất
- Có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ trước đó hoặc tiền tiểu đường
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Có người thân bị tiểu đường
- Từng sinh con có cân nặng lớn (trên 4 kg)
- Từng bị thai chết lưu hoặc sinh em bé có dị tật bẩm sinh
- Trên 25 tuổi
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type II trong tương lai. Ảnh: Mayoclinic. |
Triệu chứng cảnh báo tiểu đường thai kỳ
Theo Mayo Clinic, đối với hầu hết phụ nữ, bệnh tiểu đường thai kỳ không gây ra triệu chứng rõ rệt. Các trường hợp chỉ được phát hiện khi bác sĩ kiểm tra lượng đường huyết trong quá trình tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ.
Một số phụ nữ có thể xuất hiện triệu chứng khi lượng đường huyết của họ quá cao. Các dấu hiệu đó bao gồm khát nước, đi tiểu thường xuyên, miệng khô, mệt mỏi. Bạn cũng có thể cảm thấy đói nhanh và ăn nhiều hơn bình thường khi mắc tiểu đường thai kỳ.
Các biến chứng nguy hiểm
Nếu không kiểm soát kịp thời, bệnh tiểu đường thai kỳ khiến lượng đường trong máu quá cao. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, bao gồm tăng khả năng sinh mổ.
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, em bé có thể bị thừa cân khi sinh. Điều này do lượng đường huyết cao hơn mức bình thường ở người mẹ khiến thai nhi phát triển quá lớn. Những em bé nặng hơn 4 kg có nhiều khả năng bị chèn ép trong ống sinh, bị tổn thương khi sinh hoặc cần sinh mổ.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ dễ sinh non, chuyển dạ sớm. Bác sĩ có thể đề nghị bạn sinh sớm vì thai nhi quá lớn. Trẻ sinh ra sớm từ người mẹ mắc bệnh tiểu đường có thể bị hội chứng suy hô hấp, gây khó thở. Đặc biệt, những đứa trẻ này có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và tiểu đường type II trong tương lai.
Nghiêm trọng hơn, tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể khiến em bé tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao huyết áp và tiền sản giật. Đây là biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Bạn có nguy cơ cao phải sinh mổ nếu bị tiểu đường thai kỳ.
Đặc biệt, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nhiều khả năng mắc lại bệnh này trong những lần mang thai tiếp theo. Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn khi về già.
Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ nên chọn chế độ ăn uống ít đường, nhiều trái cây, rau xanh. Ảnh: CDC. |
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, khả năng gặp các vấn đề trong khi mang thai có thể giảm bớt bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay lượng đường trong máu có thể giảm khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Nếu những thay đổi này không hiệu quả, bạn sẽ phải dùng thuốc viên hoặc tiêm insulin. Khi mắc tiểu đường thai kỳ, phụ nữ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian mang thai và sinh nở để kiểm tra xem có vấn đề gì tiềm ẩn không.
Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường. Thay vì đồ ăn nhẹ như bánh quy, kẹo, kem, bạn có thể tiêu thụ thực phẩm chứa đường tự nhiên bao gồm trái cây, cà rốt, nho khô.
Ngoài ra, bạn nên tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ. Thai phụ nên đặt mục tiêu 30 phút hoạt động thể chất với các bài tập nhẹ nhàng, vừa phải trong hầu hết ngày trong tuần. Chạy, đi bộ, bơi lội và đạp xe là những lựa chọn phù hợp cho bà bầu.
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ trước đó và dự định mang thai, hãy đi khám để đảm bảo sức khỏe tốt trước khi có em bé tiếp theo. Nếu không, bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước. Các chuyên gia sẽ theo dõi và có phương pháp để kiểm soát lượng đường huyết, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.