Nam bệnh nhân 17 tuổi quê Hà Nam, được đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội khám, được chẩn đoán bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh. Bệnh lý xảy ra khi có sự bất thường trong nối thông giữa động mạch và tĩnh mạch. Cánh tay trái của bệnh nhân biến dạng, do các khối u máu xuất hiện.
Trước khi đến viện này, gia đình đưa bệnh nhân đến nhiều cơ sở khác, có nơi nói trẻ bị u máu, có nơi chẩn đoán giãn tĩnh mạch tay. Nhưng điểm chung là bác sĩ đều bảo bệnh của bé chưa chữa được, cứ nuôi con lớn, chờ đoàn chuyên gia nước ngoài thì đưa trẻ đến.
Do máu không lưu thông được, tay của trẻ nổi u trông như hạch. Cánh tay trái dị dạng, lại yếu, đau, tức, bệnh nhân luôn duy trì trạng thái để xuôi xuống.
Lần đưa con quay lại Bệnh viện Tim Hà Nội này, mẹ bệnh nhân rất mừng khi biết bệnh của con đã có thể can thiệp được.
Nhận định đây là ca bệnh phức tạp, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết hình ảnh chụp cắt lớp điện toán đa lát cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân rỗ như tổ ong. Bệnh nhân bị hạn chế hoạt động, tay trái yếu, bị chèn ép thần kinh.
Hình ảnh chụp cắt lớp điện toán đa lát cánh tay trái của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Nếu phẫu thuật, bác sĩ chỉ có cách cắt cụt tay cho nam bệnh nhân. Điều này rất thiệt thòi với ca bệnh trẻ tuổi. Nhưng không can thiệp, bệnh nhân phải sống chung với cơn đau, thậm chí có thể suy tim, chảy máu trong cơ, hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, tắc mạch, nặng hơn nữa sẽ phải cắt cụt chi.
Để tìm ra phương án tối ưu, các bác sĩ Việt Nam hội chẩn với đồng nghiệp từ Singapore. Trong lần can thiệp đầu tiên, các bác sĩ dùng keo, hóa chất để bít, khu trú dần các tổn thương, tiêm xơ các búi mạch. Điều này sẽ bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.
Tuy nhiên, tổn thương trên cánh tay bệnh nhân quá nhiều, bác sĩ dự kiến bệnh nhân phải cần 5-7 lần can thiệp nữa mới hy vọng chữa lành.
Dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous Malformation - AVM) là những bất thường mạch máu bẩm sinh. Bệnh hay gặp ở hệ thống thần kinh trung ương nhưng cũng có thể gặp ở mọi vị trí trong cơ thể như não, lách, phổi, thận, tủy sống, gan, khoảng gian sườn, mắt, thừng tinh...
Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy theo vị trí, kích thước, lưu lượng dòng chảy và các biến chứng. Các biểu hiện thường gặp nhất bao gồm:
- Đau đầu, động kinh với tính chất tùy thuộc vào vị trí tổn thương dị dạng và từng bệnh nhân.
- Người bệnh có thể bị hạn chế vận động và phối hợp động tác. Cụ thể như yếu, liệt; chóng mặt; nói khó; rối loạn cảm giác (tê cóng, ngứa, đau); rối loạn trí nhớ (ảo giác, lẫn lộn, mất trí nhớ).
Bệnh không liên quan yếu tố giới tính, di truyền, chủng tộc và môi trường, thường gặp ở lứa tuổi 20-40.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.