Bác sĩ Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân. Trong đó có 6, 7 ca bệnh là phụ nữ mắc chứng tiểu són. Nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ trong tình trạng bị trầm cảm, suy sụp vì một ngày phải vào nhà vệ sinh mấy chục lần, đi khỏi nhà phải đóng tã.
Trầm cảm vì tiểu són
Bác sĩ Ân kể, vừa điều trị chứng tiểu són cho bà Tuyết (63 tuổi, ở TP.HCM). Khi gặp bác sĩ nữ bệnh nhân ào khóc, mặc cảm vì bệnh. Bà Tuyết kể bị mắc chứng tiểu són đã 8 năm. Mỗi ngày bà phải ra vào nhà vệ sinh 30 lần. Suốt thời gian ấy chỉ quanh quẩn ở nhà, “ôm” lấy cái nhà vệ sinh vì cứ mỗi lần mắc tiểu là không kìm được, đi đâu cũng không dám, vì mặc cảm hôi hám, mệt mỏi đến suy sụp tinh thần.
Nữ nhân viên văn phòng tên Hoài (36 tuổi, ở TP.HCM) đến gặp bác sĩ trong tình trạng bị trầm cảm. Vừa lấy tay quẹt nước mắt, chị vừa kể với bác sĩ, sau sinh chị mắc chứng tiểu són. Bà mẹ hai con cho biết khi ho nước tiểu cũng cũng chảy ướt quần. Bệnh nhân kể có lần 2 vợ chồng đang ân ái, mắc tiểu không kìm nén được chị để nước ào ra giường. Xấu hổ, mặc cảm với chồng nên cứ tối đến chị phải đóng tã. Tuy nhiên, sau lần ấy chị bị ông xã đã từ chối ngủ chung.
Bác sĩ Ân đang khám cho bệnh nhân bị tiểu són. Ảnh: N.T. |
Theo bác sĩ Ân, nguyên nhân của tiểu són là bàng quang tăng hoạt hoặc bị nhão cơ đáy chậu do sinh nở, tiền mãn kinh. Tại Việt Nam, thống kê của Hội Thận Niệu Việt Nam ghi nhận khoảng 11-12% dân số bị bàng quang tăng hoạt.
Nhiều phương pháp điều trị
Đối với bệnh nhân bị nhão cơ đáy chậu thì được các bác sĩ điều trị theo hướng tập luyện. Khi đến điều trị ở khoa Niệu Nữ, bệnh nhân sẽ được sắp lịch tập sàn chậu theo liệu trình ba tháng. Ban đầu người bệnh nhân sẽ được tập cơ đáy chậu bằng máy trong một tháng tại bệnh viện (mỗi tuần 3 lần, mỗi lần khoảng 40 phút). Hai tháng còn lại, điều dưỡng sẽ hướng dẫn người bệnh tự tập ở nhà theo phương pháp Kegel. “Sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp này người tập khỏi được 60-70%”, bác sĩ Ân nói.
Nếu luyện tập không mang lại hiệu quả, người bệnh phải phẩu thuật đặt mảnh ghép vào âm đạo. Tỷ lệ thành công ca bệnh lên tới 95%.
Bác sĩ Ân cho biết bệnh nhân bị tiểu gấp do bàng quang tăng hoạt có thể điều trị bằng cách dùng thuốc làm giảm co bóp bàng quang kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp của bệnh nhân.
Những bệnh nhân bị tiểu gấp nặng nếu có nhu cầu bác sĩ sẽ tiêm botox vào bàng quang. Để điều trị cho bệnh nhân bị các rối loạn tiểu ở mức độ nặng hơn, bệnh viện sẽ áp dụng kỹ thuật đặt máy điều biến thần kinh. Phương pháp điều trị bệnh này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhưng chưa có ở Việt Nam.