Trong đoạn video ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của cố diễn viên Đức Tiến, anh đang khéo léo dùng dao bổ mít mời bạn bè. Động tác nhanh nhẹ, hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm sắp đến.
Nhưng chỉ vài phút sau đó, nam diễn viên bất ngờ ngã gục xuống sàn. Mọi người xung quanh nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng anh không qua khỏi.
Biến cố tim mạch vốn không lường trước được. Một khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, nếu không được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, cơ hội sống của người bệnh còn chỉ 50%.
Người trong độ tuổi dưới 50, không có dấu hiệu sức khỏe bất thường, bất ngờ qua đời sau cơn đau tim sẽ trở thành nỗi buồn day dứt cho người ở lại.
Trong những ngày tháng cuối cùng, Đức Tiến vẫn về Việt Nam quảng bá cho dự án phim mới. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, cho hay bệnh tim mạch trước đây thường ghi nhận ở nhóm người cao tuổi, từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mặc dù không quá nhiều, bệnh vẫn đang có sự chuyển dịch sang các nhóm tuổi trẻ hơn.
"Đây vẫn là một điều đáng báo động và cần được quan tâm", ông nói.
Những cơn đau như đấm vào ngực
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, bệnh tim mạch thường gặp nhất là xơ vữa động mạch do rối loạn chuyển hoá lipid. Rối loạn chuyển hoá lipid tăng sẽ làm các bệnh tim mạch tăng theo như nhồi máu cơ tim, tổn thương động mạch chủ, động mạch vành trong cơ thể.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim (hay động mạch vành) gây tổn thương tế bào cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, thậm chí dẫn đến đột tử.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, người mắc bệnh tim mạch ban đầu thường có triệu chứng đau thắt ngực khi phải gắng sức như leo cầu thang, khuân vác nặng... Điều này là do mạch máu nuôi tim hẹp, không cung cấp đủ máu nuôi tim, từ đó gây đau thắt ngực ở sau xương ức.
"Cơn đau được miêu tả như bị dao đâm hoặc bị nắm đấm đè vào xương ức. Cơn đau có thể lan đến cằm hoặc lan ra ngón út của bàn tay trái, kèm theo các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, khó thở… nhưng sẽ giảm nếu người bệnh nghỉ ngơi", bác sĩ Phước lý giải.
Bác sĩ cũng cảnh báo mọi người nếu liên tục xuất hiện cơn đau nói trên cần đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Cũng giống như đột quỵ, trong điều trị bệnh nhồi máu cơ tim, yếu tố thời gian vàng là rất quan trọng.
"12 giờ sau khi xuất hiện cơn đau, bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì tỷ lệ được cứu sống càng cao. Thời điểm lý tưởng nhất là sau 3 giờ. Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân được can thiệp kịp thời sẽ không để lại di chứng về sau", bác sĩ Phước thông tin.
Người mắc bệnh tim mạch ban đầu thường có triệu chứng đau thắt ngực khi phải gắng sức. Ảnh: Vecteezy. |
Căn bệnh đang ngày một trẻ hoá
Những năm gần đây, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Điều này gây ra gánh nặng không nhỏ lên y tế cũng như đời sống xã hội.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, lý giải thông thường, bệnh tim mạch ở người già là quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Càng có tuổi, động mạch vành càng dễ xơ vữa. Tuy nhiên, ở người trẻ, quá trình xơ vữa động mạch hoàn toàn do bệnh lý bắt nguồn từ lối sống.
"Lối sống của xã hội hiện đại khiến nhiều người không có thời gian tự chuẩn bị bữa ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất đường, chất béo; gia tăng hút thuốc lá, gia tăng sử dụng bia rượu. Điều này gây ra tình trạng rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch vì thế cũng tăng cao hơn", chuyên gia chia sẻ.
Đồng ý kiến, ThS.BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh bệnh nhồi máu cơ tim cấp đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận biết các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, bỏ lỡ 'thời gian vàng' trong điều trị, tăng nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ cho hay nhồi máu cơ tim đa phần do xơ vữa động mạch nuôi tim. Một số nguyên nhân khác có thể là co thắt động mạch vành, chấn thương tim, bệnh cơ tim do stress.
Theo bác sĩ Vũ, các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu
- Thể trạng thừa cân, béo phì
- Lười vận động
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch
- Nam giới
- Người cao tuổi
"Càng có đồng thời nhiều yếu tố kể trên thì khả năng bị nhồi máu cơ tim càng cao. Ở người trẻ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước khuyến cáo mọi người nên bỏ hút thuốc lá; tránh uống bia rượu; phát hiện và điều trị các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường; tập thể dục hàng ngày; giảm cân tránh tình trạng béo phì…
Ngoài ra, bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim vẫn có thể bị tái lại. Vì vậy, nhóm người bệnh này cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu các loại trái cây và rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm và cá đã bỏ da, các loại hạt và đậu, dầu thực vật.
"Những người chưa mắc nên đi khám bệnh định kỳ mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện bệnh”, bác sĩ Phước khuyến cáo.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.