Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus viêm não Nhật Bản (JEV) là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh viêm não virus ở châu Á. Thủ phạm là loại virus flavivirus, do muỗi truyền, cùng chi với virus gây sốt xuất huyết, sốt vàng da.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.
Tỷ lệ tử vong lên tới 30%
Theo WHO, ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên được ghi nhận vào năm 1871. Tên của bệnh đặt theo nơi đầu tiên phát hiện người mắc.
Tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản hàng năm dao động từ <1/100.000 đến >10/100.000 dân hoặc cao hơn trong các đợt bùng phát. Một số tài liệu ước tính mỗi năm toàn cầu có gần 68.000 ca mắc lâm sàng, khoảng 13.600-20.400 người tử vong.
Viêm não Nhật Bản chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Hầu hết người lớn ở các quốc gia lưu hành bệnh có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi bị nhiễm virus thời thơ ấu. Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh này.
Hầu hết ca nhiễm viêm não Nhật Bản đều nhẹ với triệu chứng sốt, nhức đầu hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, 1/250 ca mắc có thể dẫn tới bệnh lâm sàng nghiêm trọng.
Nếu sau 3-4 ngày có triệu chứng viêm não Nhật Bản bệnh không suy giảm, trẻ có thể gặp nguy hiểm vì bệnh trở nặng hơn. Ảnh: Freepik. |
Thời gian ủ bệnh là 4-14 ngày, trung bình là một tuần. Ở trẻ em, các triệu chứng ban đầu nổi trội thường là đau bụng, nôn.
Ngay trong 1-2 ngày đầu, người bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Những ngày đầu phản xạ gân xương tăng, sung huyết giãn mạch rõ. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn - nhiễm độc ăn uống.
Khi bệnh trở nặng (giai đoạn toàn phát), trẻ sẽ bị sốt cao (39-40 độ C), nhức đầu, cứng cổ, mất phương hướng, hôn mê, co giật, liệt co cứng và cuối cùng là tử vong.
Do tổn thương các tế bào thần kinh ở não, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu với sự rối loạn các chức năng sống. Thường từ ngày thứ 3-4 của bệnh các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, dần dần bệnh nhân hôn mê sâu dần.
Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên với biểu hiện vã mồ hôi nhiều, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở. Đến ngày thứ 6-7 của bệnh xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân mê sảng, ảo giác, kích động co quắp. Trong trường hợp nặng có thể thấy co giật và cơ chi hoặc bại, liệt cứng.
Bệnh nhân rối loạn cảm nhận màu sắc và ánh sáng, thị trường bị thu hẹp. Bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% ở những người có các triệu chứng.
Trong số những người sống sót, 20-30% bị di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như tê liệt, co giật tái phát hoặc mất khả năng nói. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như viêm phổi, suy kiệt...
Quá trình lây truyền
24 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương của WHO (khoảng 3 tỷ dân) có nguy cơ lây truyền viêm não Nhật Bản. Virus được truyền sang người qua vết cắn của muỗi Culex tritaeniorhynchus.
Đây là loại thích sống và đẻ trứng ở vùng nước trong, thường được phát hiện quanh các ruộng lúa và mương rãnh. Muỗi Culex tritaeniorhynchus có màu nâu nhạt và có tập tục hoạt động nhiều vào giờ chập choạng tối xung quanh và bên trong nhà của các hộ gia đình. Bệnh chủ yếu được phát hiện ở các vùng nông thôn và ngoại ô.
Ở hầu hết khu vực ôn đới của châu Á, viêm não Nhật Bản lây truyền chủ yếu vào mùa nóng, các vụ dịch lớn có thể xảy ra trong thời điểm này. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, dịch viêm não Nhật Bản bùng phát quanh năm, nhưng mạnh nhất vào mùa mưa, trước kỳ thu hoạch lúa.
Phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng vaccine phòng viêm não Nhật Bản để giảm thiểu nguy cơ của bệnh. Ảnh: Japan Times. |
Tiêm vaccine phòng bệnh là cách tốt nhất
Hiện nay, không có thuốc điều trị kháng virus cho bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản. Các biện pháp điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ để làm giảm các triệu chứng và ổn định cho bệnh nhân.
Cách duy nhất và tốt nhất để giảm hậu quả của viêm não Nhật Bản đó là tiêm vaccine, nhất là ở khu vực bệnh lưu hành mạnh.
Hiện nay, 4 loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản thường được sử dụng là vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero, vaccine sống giảm độc lực và vaccine tái tổ hợp sống (chimeric).
Trong những năm qua, vaccine sống giảm độc lực SA14-14-2 được sản xuất tại Trung Quốc đã trở thành loại được sử dụng rộng rãi nhất và được WHO kiểm định chất lượng vào tháng 10/2013.
Vaccine bất hoạt dựa trên nuôi cấy tế bào và vaccine tái tổ hợp sống cũng đã được cấp phép và đạt tiêu chuẩn WHO.
Các chuyên gia khuyến cáo những người sống trong vùng có lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản cần chủ động tiêm phòng bệnh, cần tiêm trước mùa bệnh khoảng một tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm.
Khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản, tại chỗ tiêm có thể bị đau, sưng, đỏ (chiếm 5-10%). Một số có thể có phản ứng toàn thân: sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp ở mũi tiêm thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở mũi tiêm thứ 1. Sau khi tiêm có các biểu hiện khác thường cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.
Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.