Căn bệnh hạ huyết áp thế đứng xảy ra khi cơ thể không kịp cung cấp đủ máu lên não do thay đổi tư thế. Ảnh: iStock. |
Người đàn ông 69 tuổi đứng dậy khỏi bàn làm việc tại trạm bảo vệ của Trung tâm Y tế Quản lý Cựu chiến binh ở Birmingham, Alabama (Mỹ). Ông thường tuần tra lối vào phòng khám một hoặc 2 lần một giờ. Ông muốn tận hưởng cái ấm mùa xuân nhưng chưa đi được chục bước, ông đã cảm thấy những triệu chứng quen thuộc.
Tầm nhìn của ông mờ đi. Đầu óc lâng lâng và đôi chân trở nên run rẩy lên như thể ông nặng hơn bình thường rất nhiều. Ông dựa người vào bức tường gạch nhưng thừa biết mình sẽ không đứng thẳng được lâu. Ông rút bộ đàm ở thắt lưng ra và gọi sự trợ giúp.
Thoáng một cái, ông đã ngồi trên xe lăn và được đưa tới phòng cấp cứu. Ông thấy xấu hổ vì sự bất lực của bản thân. Đáng lẽ ông phải là người hỗ trợ những bệnh nhân đến trung tâm chứ không phải người nhận sự chăm sóc của họ.
Tại phòng cấp cứu, y tá xác nhận những triệu chứng mà ông trải qua và kết luận ông mắc chứng hạ huyết áp thế đứng. Khi ông ấy nằm, chỉ số huyết áp vẫn ở mức bình thường. Nhưng huyết áp ngay lập tức tụt khi ông ngồi dậy. Lúc y tá giúp ông đứng dậy, chỉ số này xuống thấp đến nỗi ông suýt ngất.
Căn bệnh đã gây rắc rối cho ông nhiều năm nay nhưng dạo gần đây, tình trạng càng trở nên tệ hơn. Ông ấy phải đến phòng cấp cứu gần 10 lần trong vòng vài tháng qua. Các bác sĩ khuyên ông uống nhiều nước hơn. Ông đã nghe theo. Ông còn cố gắng mang tất nén y khoa mà bác sĩ kê mặc dù loại tất này rất nóng và nó trông thật lố bịch khi ông mặc quần đùi. Ông cũng được nhắc nhở phải đứng dậy một cách chậm rãi.
Hết giả thuyết này đến giả thuyết khác
Hạ huyết áp thế đứng xảy ra khi cơ thể không kịp cung cấp đủ máu lên não do thay đổi tư thế. Thông thường, việc ngồi hoặc đứng sẽ báo hiệu cho các mạch máu ở chân và phần dưới cơ thể co lại, đẩy máu lên tim và cuối cùng là lên não. Sự thay đổi tư thế đó cũng khiến tim đập nhanh hơn để giúp máu lên não nhanh hơn.
Mất nước là nguyên nhân phổ biến gây tụt huyết áp khi thay đổi tư thế. Các mạch máu không thể co lại để đưa máu đến nơi cần thiết vì không có đủ chất lỏng trong tuần hoàn máu. Các vấn đề về thần kinh cũng có thể gây ra căn bệnh này vì các dây thần kinh chính là thứ báo hiệu cho tim đập nhanh hơn và các mạch máu siết chặt hơn.
Triệu chứng của bệnh bao gồm chân run rẩy, đầu óc lâng lâng, thậm chí, ngất và ngã. Ảnh: iStock. |
Khi người đàn ông tới phòng cấp cứu, các bác sĩ thường truyền dịch qua đường tĩnh mạch để lấp đầy chỗ trống trong tuần hoàn máu của ông. Tuy nhiên, việc này dường như không có tác dụng. Điều đó khiến các bác sĩ nghĩ nguyên nhân khiến ông mắc bệnh là do vấn đề thần kinh. Các dây thần kinh của ông không truyền tải được thông điệp thiết yếu. Đây có vẻ là lời giải thích hợp lý do một số dây thần kinh của ông đang hoạt động kém.
Ông bị bệnh thần kinh ngoại vi nghiêm trọng khiến bàn chân gần như tê liệt, mặc dù đôi khi ông cảm giác chân mình như bị bỏng và ngứa ran lên.
Vào sáng sớm, tiến sĩ Matt Slief, bác sĩ nội trú vừa kết thúc năm đầu tiên đào tạo, gặp một bệnh nhân mới. Người đàn ông tóc bạch kim mô tả những triệu chứng kỳ lạ, như bị ngất, mà ông gặp phải khi đứng dậy. Bệnh nhân nói: “Các triệu chứng này không kéo dài lâu đâu. Nhưng điều này thật xấu hổ”.
Bác sĩ Slief nhanh chóng kiểm tra bệnh nhân và hứa sẽ mang cả đội ngũ bác sĩ theo để kiểm tra lần nữa. Sau khi thăm khám, bác sĩ vội vã đến gặp tiến sĩ Robert Centor, bác sĩ điều trị.
Sau khi nghe về bệnh nhân có huyết áp thay đổi theo tư thế, bác sĩ Centor hỏi anh Slief: “Nhịp tim của bệnh nhân là bao nhiêu?”. Anh Slief báo cáo mỗi khi huyết áp của bệnh nhân giảm xuống, nhịp tim của ông ấy lại tăng lên.
Bác sĩ Centor gật đầu và nói: “Trong trường hợp đó, tôi nghi ngờ bệnh tụt huyết áp thế đứng của ông ấy là do vấn đề thần kinh”. Nếu các dây thần kinh không thể ra tín hiệu cho mạch máu co lại, chúng cũng sẽ không thể báo hiệu cho tim đập nhanh hơn. Vì vậy trong các trường hợp bệnh nhân mắc tụt huyết áp thế đứng do thần kinh, nhịp tim của họ vẫn ổn định ngay cả khi huyết áp giảm. Tuy nhiên, bệnh nhân này lại có triệu chứng khác biệt.
Điều này chứng tỏ nguyên nhân gây bệnh không nằm ở thần kinh. Lượng máu cũng không phải là lý do vì việc truyền dịch không giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân. Các bác sĩ đang xem xét những nguyên nhân khác, ít phổ biến hơn. Bác sĩ Centor nói: “Nếu không phải vấn đề thần kinh thì còn có thể là gì nữa?” Vào lần khám tiếp theo, anh Slief đã nghĩ ra một khả năng khác, nhưng anh lo lắng rằng giả thuyết này nghe có vẻ xa vời.
Lý do bất ngờ
Nhiều năm trước, bệnh nhân ngã trong bồn tắm, bị gãy xương sườn và thủng phổi. Máu tràn đầy lồng ngực khiến phổi bị xẹp. Ông ấy nhanh chóng được đến bệnh viện. Những bệnh nhân không được điều trị kịp thời ở bệnh viện có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch chân. Cục máu đông hình thành khi máu không di chuyển được.
Những bệnh nhân này thường được kê thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ hình thành máu đông. Tuy nhiên, người đàn ông này bị chảy máu vào phổi nên thuốc làm loãng máu không phải là lựa chọn tốt. Các cục máu đông hình thành do tình trạng bất động sẽ làm tắc nghẽn tĩnh mạch, gây sưng tấy và đau đớn, thậm chí, gây chết người nếu chúng di chuyển khắp cơ thể và xuất hiện ở phổi hoặc não.
Vì vậy, các bác sĩ đã đặt một bộ lọc vào tĩnh mạch chính để đưa máu từ chân của ông ấy trở về tim. Việc này sẽ khiến bất kỳ cục máu đông nào vỡ ra.
Những bộ lọc này sẽ được gỡ bỏ sau vài tháng, khi nguy cơ đông máu giảm xuống. Nhưng nhiều bộ lọc không được gỡ bỏ đúng kế hoạch. Bệnh nhân này đã mang bộ lọc trong 15 năm. Bác sĩ Slief đặt câu hỏi: Các bộ lọc vốn đã hoàn thành công việc loại bỏ các cục máu đông nhưng khi bị giữ trong cơ thể quá lâu, liệu chúng có đang chặn toàn bộ mạch không? Đây có thể là nguyên nhân gây ra chứng hạ huyết áp tư thế đứng của bệnh nhân này. Bác sĩ Centor lắng nghe một cách chăm chú. Ông ấy đã làm bác sĩ được 45 năm và chưa bao giờ chứng kiến điều này. Tuy nhiên, đó là một giả thuyết thú vị và đáng xem xét.
Một trong nhiều lợi thế của Trung tâm Y tế Quản lý Cựu chiến binh là nơi này đã vi tính hóa các hồ sơ y tế từ nhiều thập kỷ trước. Anh Slief tìm hiểu kĩ lưỡng về lịch sử bệnh trạng của người đàn ông và tìm ra được nhiều điều hứa hẹn. 7 năm trước đó, ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân cho thấy tĩnh mạch chủ gần như bị tắc hoàn toàn. Tĩnh mạch chủ hẹp có thể khiến lượng máu ở chân không kịp di chuyển lên não.
Các bác sĩ thực sự không có cách nào để kiểm tra giả thuyết này, nhưng nó nghe rất hợp lý. Sau khi được các bác sĩ giải thích rằng họ cần lấy bộ lọc ra, bệnh nhân rất háo hức. Nhóm đã liên hệ với tiến sĩ Bill Parkhurst tại Bệnh viện Đại học Alabama ở Birmingham, người chuyên về thủ thuật phẫu thuật này.
Bệnh nhân được gây mê trong khi phẫu thuật. Bác sĩ Parkhurst rạch một đường và luồn ống nhỏ vào tĩnh mạch cảnh ở cổ của bệnh nhân. Ông từ từ đưa ống xuống tim, vào tĩnh mạch chủ nơi có bộ lọc. Những thiết bị này trông giống như sinh vật tên Daddy-Longlegs vì cả 2 đều có những chiếc móc nhỏ ở mỗi bàn chân. Ông Parkhurst sử dụng một dụng cụ kẹp nhỏ để kéo bộ lọc ra khỏi tĩnh mạch chủ và lấy nó ra ngoài qua vết rạch ở cổ.
Tiếp theo, bác sĩ Parkhurst chèn những quả bóng bay nhỏ để mở lại tĩnh mạch chủ. Sau đó, ông ấy đặt một ống đỡ động mạch để giữ cho mạch luôn mở. Ông thực hiện quá trình tương tự với tĩnh mạch chính ở mỗi chân. Phẫu thuật kéo dài 6 giờ và cần tới 9 ống đỡ động mạch, nhưng cuối cùng, máu giữa chân và tim của bệnh nhân đã lưu thông tốt.
Lần đầu tiên bệnh nhân đứng dậy sau phẫu thuật, ông ấy rất ngạc nhiên vì cơn chóng mặt đã không còn nữa. Trong 4 tháng sau đó, cơn chóng mặt cũng không hề xuất hiện trở lại. Các triệu chứng như chân run rẩy, đầu óc lâng lâng, té ngã cũng biến mất. Đôi chân của ông ấy vẫn còn tê, nhưng điều đó không gây trở ngại lắm miễn là ông vẫn có thể đứng thẳng.
Bác sĩ Slief rất khiêm tốn khi chứng kiến thành quả. Anh chỉ ra rằng tài liệu y khoa chỉ báo cáo một số ít trường hợp tương tự. Tuy nhiên, anh Slief trăn trở là trên thực tế, có thể số người mắc tình trạng này cao hơn nhiều.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.