Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn bệnh nam giới dễ mắc khi trời lạnh

Thời tiết lạnh, chỉ trong một tuần qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận tới 3 bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn hoại tử phải cắt bỏ.

Xoắn tinh hoàn là nguy cơ lớn với nam giới trong thời tiết lạnh. Ảnh: emedicine_health.

Theo thông tin từ khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian qua, nhiều trường hợp bệnh nhi trong độ tuổi 13-18 đã phải cắt bỏ tinh hoàn do xoắn tinh hoàn nhưng nhập viện muộn.

Về mặt lý thuyết, xoắn tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó, làm cản trở và tắc nghẽn mạch máu nuôi, dẫn đến thiếu máu và hoại tử tinh hoàn.

Các bác sĩ cho biết theo báo cáo của một số nghiên cứu, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm xuống mức thấp.

Lý giải cho kết quả này, các nhà khoa học cho rằng thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu, dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.

PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, cho biết thêm tình trạng xoắn tinh hoàn khá thường gặp ở độ tuổi 13-21. Bệnh lý này hay gặp khi bệnh nhân ngủ hoặc sáng dậy, chợt tỉnh giấc vì cơn đau đột ngột.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo nam giới khi có bất cứ biểu hiện đau tức tinh hoàn đột ngột, dữ dội, cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn. Cơn đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng.

Ngoài ra, nếu thấy bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím; tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện; tinh hoàn xoay trục, nằm ngang... kèm biểu hiện nôn, buồn nôn... cần đi khám nam khoa ngay.

"Đây là trường hợp cấp cứu, tinh hoàn bị xoắn trên 6 giờ có thể khiến bệnh nhân mất chức năng và phải cắt bỏ", PGS Quang cảnh báo.

Cụ thể, nếu can thiệp kịp thời trước 6 giờ từ khi có biểu hiện đau, 100% bệnh nhân có thể được cứu tinh hoàn. Trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%. Trong 12-24 giờ, tỷ lệ này chỉ còn 20%. Cuối cùng, với thời gian can thiệp trên 24 giờ, bệnh nhân thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

Thực tế, các bác sĩ chuyên khoa nam học tại các bệnh viện lớn như BV Hữu nghị Việt Đức, BV Đại học Y Hà Nội thời gian qua cũng đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc phải cắt bỏ tinh hoàn do khi đến bệnh viện quá thời gian "vàng" cấp cứu.

Điều đáng nói là các bệnh nhân này chủ yếu ở độ tuổi đang phát triển, thường ngại ngùng, sợ bố mẹ mắng nên không nói với gia đình, cố nhịn. Khi gia đình phát hiện đã quá muộn.

"Thậm chí, có những trường hợp biết con bị đau từ tối nhưng ngại đêm nên chịu nhịn. Qua đêm khoảng 6-7 giờ, đã qua thời gian 'vàng' mới đi khám", PGS Quang chia sẻ.

Ngoài ra, một số trường hợp đi khám nhưng lại đến cơ sở y tế kém uy tín, bị chẩn đoán sai thành viêm tinh hoàn. Sau điều trị vài ngày không đỡ mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Lúc này, tinh hoàn đã hoại tử, phải cắt bỏ.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Đằng sau cơn sốt làm đẹp từ tinh trùng cá hồi

DNA từ tinh hoàn cá hồi đang được ca ngợi là thành phần kỳ diệu mới nhất để dưỡng nhan. Liệu pháp làm đẹp bắt nguồn từ Hàn Quốc này đang trở nên phổ biến.

Cách đơn giản phát hiện bệnh lý có thể gây vô sinh, ung thư ở bé trai

Tinh hoàn ẩn là bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở bé trai, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nguy cơ vô sinh cũng như biến chứng ung thư về sau.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm