Đó là chia sẻ của TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH FPT (một trong những hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam) về việc xuất khẩu giáo dục. Hiệu trưởng băn khoăn: “Việt Nam cần làm gì để trong 3-5 năm nữa có tới 10% sinh viên và 15% giảng viên là người nước ngoài đến từ năm châu?".
TS Đàm Quang Minh nêu ra vấn đề, phải chăng chúng ta đang bị động làm thuê ở khía cạnh giáo dục ngay chính trong đất nước ta? Bằng chứng là hàng năm chúng ta mất hàng tỷ USD cho sinh viên đi du học, trong khi đó ngược lại đất nước vẫn rất khiêm tốn được sinh viên các nước đón nhận là nơi đến để du học.
Theo đó, để quốc tế hóa chúng ta phải có chương trình quốc tế, giảng viên quốc tế. Điều này một số trường đã có nhưng cơ sở nước ngoài thì chưa trường đại học nào của Việt Nam thực hiện được.
TS Đàm Quang Minh. |
TS Minh chia sẻ về bài học ở Singapore và Malaysia thì lãnh đạo đất nước khao khát biến đất nước thành trung tâm của thế giới cả về kinh tế và giáo dục, đất nước họ xây cơ sở nước nước ngoài. Với Trung Quốc và Philipin đó là cách làm giáo dục ở sự khác biệt và năng động. Hai nước này luôn có nhiều sinh viên nước ngoài tới theo học. "Hay như ở Vương quốc Anh, đất nước bán thương hiệu quốc gia về giáo dục, coi đó là ngành kinh tế xanh mang lại của cải cho đất nước – vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Nhìn về các trường đại học ở Việt Nam, TS Đàm Quang Minh cho rằng chúng ta chưa chú trọng tới chất lượng giáo dục đại học, không xây dựng được thương hiệu, chỉ chú trọng tuyển sinh cho thật nhiều sinh viên, tính cạnh tranh kém, do đó chất lượng đào tạo kém. Điều đó được minh chứng tỷ lệ thất nghiệp phần lớn rơi vào người mới ra trường.
Đối với sinh viên ở thế kỷ 21, theo TS Đàm Quang Minh cần dạy cho học trò kỹ năng bởi: “Vì kiến thức trước đây là bác học và hiện nay với thời đại công nghệ thì ai cũng có thể là bác học”.
Do đó ông tâm niệm, phải triển khai được phương pháp mới, phương pháp đó là đào tạo theo dự án, học thuyết kiến tạo, học tập định hướng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào.