Theo tài liệu điều tra, ngày 30/6, Công an quận Hồng Bàng bắt quả tang Nguyễn Trung Kiên (26 tuổi, cán bộ văn hoá, phường Văn Đẩu, quận Kiến An) khi đang có hành vi mua bán một số giấy tờ giả.
Qua đấu tranh, Kiên khai nhận đã cùng với Nguyễn Đức Cảnh (27 tuổi ở Bắc Sơn, quận Kiến An) thường xuyên đăng tin trên mạng Internet cung cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề cho người có nhu cầu mà không cần phải… học.
Khi người có nhu cầu làm bằng lái xe, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ... giả thì gọi điện đến Kiên và gửi bản sao CMND, ảnh qua hộp thư điện tử. Sau đó Kiên mang đến nhờ Ngô Xuân Bách (24 tuổi ở Đồ Sơn) làm giả với giá từ 100.000 - 700.000 đồng cho từng loại.
Tuy nhiên, Bách lại mang "hàng" đến nhờ Phạm Thị Diến (24 tuổi ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm với mức giá rẻ hơn để ăn chênh lệch. Song, Diến vẫn chưa phải là người cuối cùng mà lại tiếp tục nhờ Tiến Hồng Hà (28 tuổi ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm giả với giá rẻ hơn nữa.
Sau khi thu gom được nhiều hồ sơ, Hà lại nhờ Phạm Duy (33 tuổi ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm với giá từ 20.000 – 30.000 đồng với mỗi phôi từ Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Còn nếu là phôi của Bộ Giáo dục và Đào tạo có giá 200.000 – 250.000 đồng.
Sau một thời gian làm ăn, Bách còn thông qua một "cửa" khác, do Lê Thị Thu Hương (29 tuổi ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) đứng ra làm với giá rẻ từ 40.000 – 90.000 đồng mỗi loại. Người phụ nữ này đến đặt “hàng” trực tiếp với Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI với giá từ 15.000 – 30.000 đồng cho mỗi loại giấy tờ.
Cơ quan công an còn điều tra làm rõ, lợi dụng chức danh là Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI, từ 2008 đến nay Phạm Duy Việt đã cấp hàng chục nghìn văn bằng, chứng chỉ giả các loại. Trung bình 1 tháng, Việt cấp 2.000 chứng chỉ giả, vào tháng cao điểm số chứng chỉ này lên tới 5.000 chiếc, thu lợi bất chính hành tỷ đồng.
Ngoài ra, Việt còn mở 15 cơ sở trực thuộc và ký hợp đồng liên kết đào tạo với 17 trung tâm tin học, ngoại ngữ khác ở khắp nơi trong cả. Thực chất các cơ sở này không tổ chức tuyển sinh, thi tuyển mà chỉ bán chứng chỉ cho khách có nhu cầu.
Hoạt động phạm tội của những người trên đều thông qua hộp thư điện tử để gửi danh sách, bản sao CMND, ảnh người cần cấp chứng chỉ và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Sau khi làm xong chứng chỉ sẽ phát chuyển nhanh đến tận tay theo yêu cầu của người làm chứng chỉ.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố bị can về hành vi mua bán và làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước và củng cố hồ sơ tiếp tục khởi tố với những người khác có liên quan.
Cơ quan CSĐT Công an Hồng Bàng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng các chứng chỉ do Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI, từ năm 2008 đến nay nộp lại để phục vụ yêu cầu điều tra.