Cận cảnh đền tưởng niệm các Vua Hùng lớn nhất Nam Bộ
Thứ tư, 25/4/2018 06:00 (GMT+7)
06:00 25/4/2018
Đền tưởng niệm các Vua Hùng (TP.HCM) là công trình có kiến trúc độc đáo, lớn nhất khu vực Nam Bộ, thu hút rất nhiều du khách tới vọng về quê cha đất tổ dịp 10/3 Âm lịch hàng năm.
Công trình tọa lạc trên một quả đồi cao hơn 20 m, tại Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc rộng hơn 400 ha, thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM.
Đây là một quần thể công trình đặc sắc, có giá trị cao về cảnh quan, kiến trúc và ý nghĩa xã hội với 4 phần chính là: Quảng trường, Đường tre, Đền thờ và Sân vọng. Các hạng mục kết nối hợp lý và khéo léo như đưa người tham quan vào một hành trình hành hương hướng về cội nguồn.
Điểm khởi đầu của công trình là quảng trường rộng 4.000 m2, nền sân có hình mặt trời với những tia sáng tỏa ra xung quanh, theo mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Mỗi bên có 9 cột đá cao 6 m tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng cùng hàng cọ được lấy giống từ tỉnh Phú Thọ.
Nghi môn vào Đền tưởng niệm làm bằng đá bề thế, cao 8 m, có kiến trúc mang phong cách hiện đại kết hợp truyền thống. Dẫn lên đền là Đường tre dài 360 m, được xây dựng ôm theo triền dốc của quả đồi. Đường lên nhiều đoạn được thiết kế tổng cộng có 107 bậc thang bằng đá.
Vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm (10/3 Âm lịch), nhiều lễ, hội di chuyển trên đoạn đường rộng 10 m, được lát bằng đá này.
Điểm nổi bật của đoạn đường lên đền là hai hàng tre xanh um tùm tỏa bóng hai bên. Không gian “Đường tre” gợi nhắc hình ảnh của làng quê Việt.
Giữa Đường tre là nhà bia tưởng niệm, bên trong đặt bia đá khắc nội dung tóm tắt về hào khí lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.
Cuối đường lên là Đền tưởng niệm các Vua Hùng, nằm trên đỉnh đồi. Công trình có mặt bằng hình vuông, xoay góc 45 độ so với trục chính. Phía trước có một khối sảnh nhô ra với hai cầu thang đi lên ở hai phía với sân lễ, sân hội và sân vọng.
Công trình sử dụng những thành phần công năng kiến trúc khác nhau để hợp thành quần thể không gian tưởng niệm với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, trời đất giao hòa.
Tầng thượng khu đền là Sân vọng, được bài trí như một khu vườn với 54 cột đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Trong đền có một khoảng sân được gọi là “Âm bản trống đồng”, là phần “âm” tròn của khối vuông, tượng trưng cho trời và đất. Giữa sân là một tiểu đình hai lớp mái.
Trong tiểu đình đặt phiên bản trống đồng Hoàng Hạ (Hòa Bình), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm.
Ban thờ chính của đền là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, phối thờ với Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước. Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương...
Hai bên ban thờ Quốc tổ Hùng Vương đặt hai bình gốm chứa "Đất" và "Nước" được lấy từ đất Tổ Phú Thọ.
Hai bên đền thờ là dãy hành lang trưng bày bia 33 khối đá chủ quyền quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh hải quân trao tặng. Trên mặt tường bên trong đền vẽ các bức tranh mô tả lại cuộc sống của những cư dân trong buổi đầu dựng nước.
Đền tưởng niệm là điểm đến, là không gian tưởng niệm, nơi tưởng nhớ của những người con phương nam luôn vọng về quê cha đất tổ vào các dịp Giỗ Tổ hàng năm.
Đền tưởng niệm các Vua Hùng được xây dựng từ năm 2002-2009 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Hội Kiến trúc sư TP.HCM).
Năm 2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản phi vật thể của nhân loại. Cũng trong năm 2012, Hội đồng giải thưởng Văn học - nghệ thuật TP.HCM đã trao giải thưởng đặc biệt cho công trình “Đền tưởng niệm các Vua Hùng”. Trước đó, công trình cũng nhận giải nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.
Ngày 23 tháng Chạp, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh mâm cúng ông Công ông Táo. Nhiều bạn trẻ thay bố mẹ vào bếp, tự tay chế biến nhiều món ăn cầu kỳ và trang trí bắt mắt.