Ngày 13/9, lãnh đạo trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội làm việc với bà Nguyễn Hồng Nhung (vợ nghệ sĩ Xuân Bắc, giảng viên của trường) từ 8h30 đến 16h vẫn chưa kết thúc, liên quan những tố cáo mà bà Nhung đưa lên mạng.
Một số phóng viên có mặt tại trường nhưng không được tham dự. Khoảng 13h30, ông Dương Quốc Tuấn - Trưởng phòng Hành chính Quản trị, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Hà Nội - yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi qua email hoặc viết thông tin tại phòng Hành chính Quản trị, nhà trường sẽ trả lời bằng văn bản.
Ông Dương Quốc Tuấn - Trưởng phòng Hành chính Quản trị, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - cho biết trường không trả lời trực tiếp báo chí, yêu cầu để lại câu hỏi. Ảnh: Quyên Quyên. |
Cơ sở vật chất xập xệ
Theo ghi nhận của phóng viên, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội có nhiều chỗ cơ sở vật chất xuống cấp.
Tại lớp học thuộc tầng một, dãy nhà bên phải ngay lối vào, tường bị bong tróc, trần để lộ thành từng mảng lớn. Các góc hành lang ngổn ngang vật dụng từ điều hòa, tủ lạnh, bàn ghế cũ, xe kéo hàng...
Tại khoa sân khấu, nơi bà Nguyễn Hồng Nhung công tác, bên trong, ghế ngồi mỗi loại một màu, một kiểu dáng.
Bà Nhung tố cơ sở vật chất lớp học xuống cấp. Ảnh: Quyên Quyên. |
Trước đó, bà Nhung tố cáo cơ sở vật chất của trường kém: “Tại sao khoa Sân khấu mà sinh viên không có một sân khấu tối thiểu, không có nơi ngăn cách khán giả với diễn viên? Tại sao ban giám hiệu nhà trường bắt chúng tôi thông cảm 14 năm nay? 14 năm nay, chúng tôi không có gì trong tay, cứ bắt chúng tôi thi giáo viên dạy giỏi”.
Bà Nhung kể khi lên lớp, bàn ghế không có, sinh viên phải lấy tạm ghế băng ngoài bãi phế thải ở chân cầu thang ngồi. Có hôm không có ghế, sinh viên lấy dép để ngồi. Mười năm nay, dạy múa không có giảng viên đệm đàn mà phải gõ nhạc.
“Tôi không hiểu định hướng phát triển của trường như thế nào”, bà Nhung bức xúc.
Đến 15h30 hôm nay, trên Facebook cá nhân, bà Nguyễn Hồng Nhung cho biết cuộc họp giữa nữ giảng viên và ban giám hiệu nhà trường vẫn chưa thể kết thúc, rất mệt mỏi.
Nữ giảng viên thông báo một tin vui là cơ sở vật chất của trường sẽ được cải thiện. Sân khấu sẽ được đầu tư theo những mục cụ thể. Chỉ đạo được đưa ra ngay tại cuộc họp và ghi vào biên bản.
Sân khấu tạm bợ và bàn ghế "phế thải" do bà Nguyễn Hồng Nhung chụp lại khi công tác tại trường. |
Tố cáo trường chèn ép, hiệu trưởng biết sai nhưng vẫn làm
Trước đó, tối 11/9, cộng đồng mạng xôn xao với video của bà Nguyễn Hồng Nhung, khi nữ giảng viên khóc nức nở, suy sụp livestream trên trang cá nhân.
Trong thời gian hơn 30 phút, bà Nhung nêu những bức xúc liên quan công việc giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.
Trong đó, bà thể hiện bất bình với sự can thiệp của một cộng tác viên là NSND Anh Tú, đang làm cùng cơ quan với chồng bà (nghệ sĩ Xuân Bắc).
Bà Nhung livestream cho rằng mình bị chèn ép. |
Bà Nhung tố bị ông Võ Anh Tú o ép, không cho vào ban chấm thi tốt nghiệp năm 2016-2017, không được theo dạy lớp của mình từ đầu đến cuối chương trình học.
Nữ giảng viên cho rằng đã 14 năm công tác tại trường, bà không thể chỉ tham gia dạy học lạc lõng mà không quan tâm chuyện thi cử của sinh viên. Điều này liên quan danh dự của bà.
“Tôi không biết lý do, hỏi ra thì đây là chỉ đạo của ban giám hiệu. Tôi tìm hiểu thì không phải chỉ đạo của ban giám hiệu mà có sự can thiệp của cộng tác viên", bà Nhung trải lòng.
Vợ diễn viên Xuân Bắc cho hay nếu không đủ điều kiện mở mã ngành, nhà trường nên đóng cửa. Thậm chí, bà Nhung tình nguyện đóng một năm lương để đầu tư vào khoa Sân khấu.
Bà tố cáo hiệu trưởng thấy sai nhưng vẫn làm, bổ nhiệm "con ông cháu cha", khi trong trường có hiện tượng bố làm trưởng phòng tổ chức, con là nhân viên, đồng thời là em chồng của hiệu trưởng.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Zing.vn, NSND Anh Tú - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam (đồng nghiệp của nghệ sĩ Xuân Bắc) - nói ông chỉ là một trong những cộng tác viên được trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội mời vào chấm thi, và cũng chỉ chấm một trong 6 lớp, chứ không phải chấm tất cả.
"Tôi hoàn toàn không can thiệp gì vào việc chấm thi của chị Nguyễn Hồng Nhung vì đó không phải công việc của tôi. Khi được mời vào chấm, tôi chỉ góp ý với trường là nên mời các NSND, NSƯT như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Trần Đức.
Việc mời các nghệ sĩ uy tín như vậy vào ban chấm thi cũng giúp nhà trường tăng uy tín. Đó là ý kiến của tôi và sau đó trường đồng ý", ông Tú cho biết.