Trước thềm chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, hình ảnh chiếc vòng nguyệt quế được chế tác thủ công, mạ vàng 18K dành cho nhà vô địch năm nay được tiết lộ. Năm nay, vòng nguyệt quế vẫn do nhà thiết kế Đỗ Vân Trí (nghệ danh Tờ-Rí) chế tác. Anh đã đồng hành cùng Đường lên đỉnh Olympia tròn 10 năm. |
Nhà thiết kế chia sẻ vòng nguyệt quế năm nay là sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển, nguyên bản của vòng nguyệt quế cổ đại Hy Lạp và yếu tố hiện đại, với mong muốn tạo ra một thiết kế vừa tinh tế, vừa mang đậm nét văn hóa Việt Nam. |
Anh Trí cùng ekip mất một tháng để hoàn thiện chiếc vòng nguyệt quế chính thức, song để lên ý tưởng, anh đã chuẩn bị trước khoảng một năm. Mọi thứ bắt đầu từ việc lên ý tưởng và thiết kế. Thiết kế phải mang một màu riêng, hơi hướm riêng về văn hóa nước nhà, cân nhắc kỹ lưỡng về hình dáng, kích thước và các chi tiết của chiếc vòng nguyệt quế. |
So với các năm trước, vòng nguyệt quế năm nay khác biệt về kiểu dáng. Với bố cục tròn, không có điểm đầu cũng không có điểm kết thúc, vòng nguyệt quế tượng trưng cho sự vĩnh hằng, sự hoàn hảo và một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. |
Nhà thiết kế muốn đưa chiếc vòng nguyệt quế về nguyên bản với những cành lá olive, tối giản nhưng không nhàm chán, đơn giản nhưng không sơ sài. “Chỉ là những cành lá dễ thấy ngoài tự nhiên, nhưng phải kỳ công, tỉ mỉ để tạo nên từng chi tiết. Mỗi chi tiết trên vòng đều được chế tác thủ công, từ việc cắt, đục vân cho đến việc mạ vàng, tạo nên một tổng thể tinh tế, sắc sảo và độc đáo”, anh Trí chia sẻ. |
Bắt đầu công đoạn chế tác, anh Trí phác thảo, tạo hình thử nhiều dạng lá, nhiều kích thước, kết hợp lại với nhau xem kiểu dáng nào hợp lý nhất, sau đó mới quyết định chọn loại nào để đạt hiệu quả thẩm mỹ nhất . Chất liệu của vòng nguyệt quế được nhà thiết kế lựa chọn kỹ càng, thường được làm từ đồng thau - một loại kim loại nhẹ, mềm dẻo, có ánh kim gần giống vàng thật. |
Quá trình chế tác hoàn toàn thủ công. Mỗi chiếc lá trên vòng nguyệt quế đều được cắt và đục vân bằng tay, tạo nên những chi tiết tinh xảo và độc đáo. Nhà thiết kế chia sẻ đây là công đoạn khó nhất vì chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn để đảm bảo mỗi chiếc vòng đều đạt đến độ hoàn hảo cao nhất. |
Sau khi hoàn thiện công đoạn chế tác, vòng nguyệt quế sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có lỗi sau khi vệ sinh công nghiệp, mài dũa nhẵn, mịn, đánh bóng sáng loáng, cuối cùng mới đem đi mạ vàng thật. Việc mạ vàng 18K không chỉ làm tăng giá trị vật chất mà còn biểu thị sự cao quý và sang trọng, xứng đáng với nỗ lực và đích đến của người chiến thắng. |
Nhà thiết kế nhìn nhận chiếc vòng nguyệt quế chỉ là điểm xuyết thêm cho nhà vô địch đã vượt qua mọi chướng ngại để đứng trên đỉnh vinh quang. Người cần tỏa sáng chính là nhà leo núi. Mỗi vòng nguyệt quế anh tạo ra đều không có bản sao, không nhận đặt làm lại để bán, dù nhiều người ngỏ ý. Nguyên tắc của anh là “Không phải đẹp nhất, phải là duy nhất”. |
"Chiếc vòng nguyệt quế không chỉ là một phần thưởng, mà còn là biểu tượng của sự nỗ lực, kiên trì và thành công. Các em hãy luôn giữ vững tinh thần học hỏi, không ngừng phấn đấu và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Chiến thắng hôm nay là kết quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi tin các em sẽ tiếp tục tỏa sáng trên con đường phía trước", anh Trí gửi gắm tới 4 thí sinh trong vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. |
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.