Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Cần cấp phép thuốc kháng virus Molnupiravir sớm

Nhiều chuyên gia cùng cho rằng Việt Nam nên cấp phép loại thuốc này để người bệnh được tiếp cận sớm hơn khi điều trị Covid-19.

Molnupiravir là loại thuốc được Bộ Y tế sử dụng thí điểm có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng điều trị ở các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà ở TP.HCM từ giữa tháng 8.

Theo Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, đến nay, 34 tỉnh, thành sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, nước ta chưa có thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành. Do đó, cơ quan này đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép loại thuốc này trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm Việt Nam nên sớm cấp phép loại thuốc này để người bệnh được tiếp cận sớm hơn khi điều trị Covid-19.

Giảm gánh nặng cho hệ thống y tế

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho biết đối với vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19, hiện chúng ta có 24 loại được cấp phép sử dụng (ít nhất bởi một quốc gia). Ngoài ra, hơn 150 vaccine đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển ở nhiều giai đoạn nghiên cứu lâm sàng khác nhau từ nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, thuốc đặc trị virus (antiviral drug) được cấp phép sử dụng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu thường gây nhiều tranh cãi về hiệu quả không rõ ràng hoặc lo ngại tính an toàn.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị bằng Molnupiravir do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy sản phẩm này có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.

can cap phep thuoc khang virus Molnupiravir anh 1

Nhân viên y tế cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, Molnupiravir giúp tăng tỷ lệ xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 sau điều trị Covid-19. Điều này mang lại 2 ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng, đó là giảm khả năng lây lan và rút ngắn thời gian điều trị, giảm nguy cơ chuyển nặng ở người bệnh.

Khi phân tích các số liệu, hiệu quả của Molnupiravir ở người chưa tiêm chủng có tác dụng tương đương F0 đã được tiêm một mũi vaccine.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng thuốc này có lợi cho người bệnh nhẹ, đã được châu Âu và Anh cấp phép sử dụng. Tác dụng của thuốc làm giảm mức độ nặng của bệnh, nồng độ virus giảm xuống, vì vậy đồng thời làm giảm lây truyền bệnh. Việc tiếp tục duy trì tình trạng thử nghiệm của thuốc sẽ là phi đạo đức nếu không có lý do nào khác.

"Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở sản xuất thuốc trong nước sẵn sàng cung ứng. Việc cấp phép thuốc này chỉ là vấn đề thủ tục. Trì hoãn thủ tục cấp phép thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc không có kiểm soát, nạn thuốc lậu, thuốc giả tràn lan", BS Thái nói.

Ủng hộ việc sớm cấp phép thuốc kháng virus Molnupiravir, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay tác dụng giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng của thuốc đã được chứng minh qua các báo cáo quốc tế và thực tiễn tại TP.HCM.

"Vấn đề tác dụng phụ với sức khỏe không đáng lo ngại vì liệu trình uống chỉ 5 ngày chứ không kéo dài như thuốc kháng virus của HIV”, bác sĩ Khanh nói.

Dù có thuốc, vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất

Đánh giá hiệu quả của thuốc kháng virus trong phòng, chống dịch, PGS Dũng cho rằng thuốc này có vai trò đáng kể nếu chưa có vaccine. "Không có vaccine, thuốc kháng virus là giải pháp điều trị duy nhất. Còn khi đã có vaccine, vai trò của thuốc không lớn như mong đợi do vaccine vẫn là giải pháp phòng bệnh hiệu quả hơn", ông nói.

PGS Dũng nhớ lại trong đại dịch cúm ở Mỹ, khi chưa có vaccine, người ta chỉ có thể dựa vào thuốc chống virus Tamiflu. Do đó, chuyên gia này cho rằng dùng thuốc kháng virus không phải biện pháp tốt nhất hiện nay khi đã có vaccine nhưng có rất nhiều giá trị.

can cap phep thuoc khang virus Molnupiravir anh 2

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, nếu thuốc được cấp phép, Bộ Y tế nên hướng dẫn để người dân hiểu rõ thuốc Molnupiravir có một số triệu chứng phụ nguy hiểm, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc chỉ hiệu quả cho bệnh Covid-19 khi được sử dụng sớm, trong vòng 5 ngày từ khi có triệu chứng đầu tiên. Cuối cùng, phụ nữ có thai, cho con bú và vợ chồng có kế hoạch sinh con trong thời gian gần nên tránh sử dụng thuốc này.

"Đối với nhân viên y tế, khi cấp phát thuốc này cho người dân cũng nên cân nhắc rằng chỉ nên sử dụng khi "lợi ích" của thuốc nhiều hơn "nguy cơ". Hiện nay, các nước sử dụng Molnupiravir thường chỉ trên các bệnh nhân có nguy cơ cao với Covid-19, không sử dụng cho người bình thường, trẻ, khỏe", TS Vũ nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng "sốt" thuốc, "đội giá", sử dụng thuốc sai cách gây hại sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh khi được cấp phép, Bộ Y tế nên có giá bán niêm yết tại các nhà thuốc. Người bệnh chỉ dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ. Việc này sẽ tránh được tình trạng lạm dụng thuốc.

Các chuyên gia cùng khuyến cáo sử dụng thuốc cho điều trị virus cần cẩn trọng, cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích trong từng hoàn cảnh. Ngoài ra, việc có thuốc đặc trị virus không làm cho vai trò của vaccine giảm bớt vì phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn chữa bệnh. Dù có thuốc, vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất.

Người bị hen có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19?

Tôi 47 tuổi và có bệnh nền hen xuyễn đã nhiều năm. Nếu mắc Covid-19, tôi có nguy cơ diễn biến nặng không?

Dịch Covid-19

Phương Anh - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm