Chiều 10/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Lễ công bố được thực hiện trực tuyến đến 63 điểm cầu trên phạm vi cả nước.
88,5% trẻ 12-18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ Trưởng Bộ tế Nguyễn Thanh Long cho rằng thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được chú trọng.
Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục đào tạo để các địa phương sớm mở cửa trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại trường an toàn.
Hiện nay, 95% học sinh trong độ tuổi 12-18 được tiêm một mũi vaccine Covid-19 và 88,5% được tiêm đủ 2 mũi. Bộ Y tế cũng đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tiêm chủng cho nhóm trẻ 5-11 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Ảnh: BTC. |
Theo Bộ trưởng Y tế, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến chủng mới. Dịch vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, trong đó có việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh lứa tuổi học đường vẫn có xu hướng gia tăng như tật khúc xạ, sâu răng, đồng thời xuất hiện các bệnh mới nổi như thừa cân, béo phì, rối loạn tâm thần học đường.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên, khắc phục những tồn tại, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh long cho hay trong thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tập trung triển khai chỉ đạo các nội dung:
Thứ nhất, tập trung triển khai thành công chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 -12 tuổi; phác đồ điều trị tại các cơ sở y tế giáo dục, tiếp tục triển khai các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cũng như bệnh dịch khác để học sinh được đến trường an toàn.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn về công tác y tế, tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ về việc thực hiện công tác chăm sóc trường học, chăm sóc học sinh, sinh viên đầy đủ, toàn diện, thiết thực ở tất cả cấp và địa phương.
Thứ tư, quan tâm đầu tư với hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã để triển khai các hiệu quả các nội dung.
Thứ năm, thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế trường học.
Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe học đường.
50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ em.
Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa đảm bảo khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế.
Trong năm học 2018-2019, tại các trường học mầm non và phổ thông, 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố, xuống cấp; số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chỉ chiếm khoảng 65,6%; số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 62,8%. Vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh lây nhiễm trong trường học.
Bên cạnh đó, hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7-15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống.
Trường Tiểu học Yên Thường, Hà Nội đón hơn 1.100 học sinh thuộc 5 khối lớp tiểu học quay lại học trực tiếp. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo kết quả khảo sát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, bạo lực học đường trở thành vấn nạn tại trường học. Trung bình, mỗi năm tại Việt Nam xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Riêng năm 2018 đã xảy ra hơn 2.000 vụ, tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy sự cần thiết có những giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học.
Coi học sinh là đối tượng cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt
Từ những thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ các bộ ngành, tổ chức liên quan để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu của chương trình Sức khỏe học đường.
Theo đó, chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Mỗi nội dung được giao có mục tiêu đạt 100% đến năm 2025.
Thủ tướng chia sẻ trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch là khoảng thời gian dài đối với tất cả chúng ta, nhất là trẻ em. Nhiều trẻ không được đến trường, ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.
"Đại dịch đã khiến hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân, không gì có thể bù đắp. Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Chúng ta cần coi học sinh là đối tượng chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Chăm sóc sức khỏe tinh thần phải ngang bằng với sức khỏe thể chất", Thủ tướng nói.
Từ những hạn chế, khó khăn, thách thức trên, ông giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, triển khai lồng ghép với đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.
Học sinh lớp 9 ở Ba Vì trở lại trường hôm 8/11/2021. Đây là những học sinh đầu tiên ở Hà Nội được học trực tiếp trong năm học 2021-2022. Ảnh: Việt Linh. |
Về vấn đề mở cửa lại trường học sau hai năm gián đoạn, ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi trẻ trở lại trường học.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi an toàn, khoa học, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Ông cũng nhấn mạnh chương trình học nên giảm tải, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.