Sáng 10/4, nhiều người dân thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, phát hiện ôtô bị thủng lốp khi đỗ ở phố Nguyễn Phan Chánh, gần hồ Linh Đàm. Theo ghi nhận, khoảng hơn 20 xế hộp có dấu hiệu bị chọc thủng lốp, ước tính tổng giá trị tài sản thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Trường hợp này, vụ việc có dấu hiệu hình sự không? Những căn cứ pháp lý nào cần làm rõ để xác định trách nhiệm hình sự?
Một phương tiện bị thủng lốp khi đỗ ở ven đường Nguyễn Phan Chánh. Ảnh: Xuân Huy. |
Luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) nhìn nhận trong trường hợp này, dù thiệt hại xuất phát từ bất kỳ lý do gì (mâu thuẫn cá nhân, đỗ xe sai quy định...) thì việc chọc thủng lốp xe của người khác vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xác định trách nhiệm pháp lý sẽ căn cứ tổng giá trị tài sản thiệt hại.
"Với việc có khoảng hơn 20 phương tiện bị thủng lốp, tổng giá trị tài sản thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Bởi vậy, đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự", ông Thắng phân tích.
Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự, trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên, tùy thuộc các tình tiết định khung, mức phạt thấp nhất là 2 năm và cao nhất sẽ là 20 năm tù.
Với kinh nghiệm tham gia tố tụng trong vai trò kiểm sát viên, luật sư Thắng nhìn nhận sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan công an sẽ tới hiện trường lập biên bản, xác định tổng số phương tiện bị thiệt hại. Việc giám định sẽ được tiến hành nhằm định giá tài sản thiệt hại, làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự.
Đối với những phương tiện đã được thay lốp hoặc đánh ra garage trước khi lực lượng chức năng có mặt, chủ xe nếu muốn được bồi thường thì cần cung cấp tài liệu, bằng chứng chứng minh thiệt hại và gửi công an trong một khoảng thời gian nhất định.
Với những trường hợp chủ xe không có yêu cầu bồi thường dân sự hoặc khởi tố vụ án, nhưng công an xác định họ có tài sản bị thiệt hại, việc giám định vẫn sẽ được tiến hành để định giá tài sản thiệt hại làm tình tiết định khung, xác định trách nhiệm hình sự.
Về việc khởi tố vụ án theo yêu cầu, luật sư cho biết theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tội danh tại Điều 178 Bộ luật Hình sự không nằm trong nhóm tội danh phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, khi tiếp nhận tin báo và xác định có dấu hiệu hình sự, công an có thể khởi tố vụ án để điều tra theo thẩm quyền.
Ngoài ra, dưới góc độ hành chính, ông Thắng cho biết nếu trong trường hợp tài sản thiệt hại chưa tới mức phải xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử lý về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt là 3-5 triệu đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…