Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căn cứ nào để xử phạt việc tập thể thao có tính chất khiêu dâm?

"Cơ quan có thẩm quyền cần quy định cụ thể danh mục bộ môn, hoạt động thể thao nào bị cấm chứ không thể quy định chung chung để cán bộ xử lý là người giải thích luật", luật sư nói.

Nghị định 46/2019/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, trong đó quy định mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Quy định này đang tạo ra nhiều tranh cãi, bởi việc xác định thế nào là bài tập, môn thể thao khiêu dâm để xử phạt bị cho là mơ hồ.

the thao khieu dam doi truy anh 1
Nếu nghị định này có hiệu lực thì môn múa cột Sexy Pole Dance có bị xem là khiêu dâm? Ảnh mang tính minh hoạ: Zing.vn.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết đây là quy định không mới. Trước đó, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng có các quy định này.

Chẳng hạn khoản 3 Điều 20 Nghị định 158 quy định: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi dạy khiêu vũ có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Có thể thấy khoản 1 Điều 7 Nghị định 46/2019/NĐ-CP kế thừa hoàn toàn khoản 1 Điều 29 Nghị định 158. Quy định tại Nghị định 46 cũng là cụ thể hóa quy định của Luật Thể thao.

Khoản 1 Điều 10 Luật Thể thao nghiêm cấm: “Hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Theo luật sư Vũ, quy định về hành vi cấm trong thể thao là cần thiết ở khía cạnh quản lý Nhà nước, phù hợp với quy định chung của luật và để các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở xử lý khi có vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, quy định này lại không đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và không có tính khả thi.

Bởi lẽ hàng loạt dấu hiệu được cho là vi phạm trong quy định như “mang tính khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực…” là rất khó xác định. Và nếu quy định không rõ ràng thì sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc xử lý.

"Tôi cho rằng cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh, các nhà làm luật, cơ quan có thẩm quyền cần phải quy định cụ thể danh mục bộ môn, hoạt động thể thao nào bị cấm chứ không thể quy định chung chung để cán bộ xử lý lại là người giải thích luật", luật sư Vũ nêu quan điểm.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình, cho rằng quy định này không có tính thực tiễn và không đi vào cuộc sống.

"Quy định trên không rõ ràng, không định hình môn thể thao nào cụ thể trong khi hiện nay rất nhiều môn thể thao, nhiều phương pháp tập luyện. Quy định như vậy nghĩa là môn nào cũng bị phạt nếu có tính chất khiêu dâm", luật sư Hùng nói và cho biết quy định sẽ gây nhiều phản ứng cho người bị xử phạt nếu không có hướng dẫn cụ thể.

Trước đây, khái niệm “khiêu dâm” được đề cập tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, đó là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm