"Hành động chia sẻ video nam sinh lớp 10 tự tử là rất phản cảm. Nó gây ra nỗi đau mất mát cho những người thân trong gia đình của nạn nhân. Bên cạnh đó, đối với những đứa trẻ đang ở trong cùng hoàn cảnh hoặc cảm xúc tương tự, video này sẽ khiến chúng nghĩ rằng nếu bản thân tự tử thì cũng được xã hội quan tâm, chú ý, như vậy sẽ dẫn đến một loạt hành động tự tử khác", TS Nam nhấn mạnh khi biết video về nam sinh lớp 10 tự tử đang được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.
Ông cũng cho biết trước đây việc tự tử của những người nổi tiếng lan rộng trên mạng xã hội đã dẫn đến một loạt hành động tự tử ở những người khác. Đáng nói, những người này cũng sử dụng cách thức tự tử tương tự người nổi tiếng từng thực hiện.
TS Trần Thành Nam cho biết 80% người tự tử thành công đã từng ngầm thông báo về ý định, kế hoạch của họ. Ảnh minh họa: British GQ. |
Nhiều dấu hiệu cần nhận biết về trẻ muốn tự tử
Theo TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, hầu hết cá nhân có ý định hoặc hành vi tự sát đều biểu hiện một số tín hiệu nhất định về ý định tự kết liễu cuộc đời của mình, nhưng những người xung quanh thường không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những tín hiệu này hoặc không biết phải phản ứng với những tín hiệu ấy ra sao.
Trẻ có ý định tự tử thường nói bâng quơ "cuộc sống này thật chán chường", "chẳng còn ý nghĩa gì để sống nữa", "thế này thà chết đi còn hơn". Bên cạnh đó, về hành động, trẻ sẽ sắp xếp các vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký dự định cho người này món quà này, người khác món quà kia mà bản thân yêu thích.
Ngoài ra, trẻ còn có dấu hiệu thay đổi bản thân, trở nên ngoan "đột xuất", dọn dẹp nhà cửa, quan tâm đến mọi người. TS Trần Thành Nam gọi đây là hành động trẻ dùng để trả ơn bố mẹ trước khi chia tay với thế giới.
Một dấu hiệu khác ở trẻ muốn tự tử là thường ngồi vào một góc, "trở nên bí mật" và khóc lóc. Khi người thân phát hiện ra thì trẻ sẽ nhanh chóng lau nước mắt và nói "không có gì đâu". Ở một số trẻ khác, biểu hiện của việc muốn tự tử còn là hành vi tự gây hại cho bản thân như cứa tay, cứa chân. Phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu này qua những vết sẹo trên cơ thể của trẻ.
Trẻ có ý định tự tử thường ngồi vào một góc, khóc lóc. Ảnh minh họa: Help Guide. |
"Chúng ta phải nhận ra rằng, kế hoạch tự tử của trẻ dường như được 'nung nấu' thời gian dài chứ không phải là một ý nghĩ hay hành động mang tính chất bộc phát trong một thời điểm. Nguyên nhân chính là trẻ luôn luôn có cái nhìn tiêu cực, bi quan về bản thân và thế giới. Ý tưởng tự tử xuất hiện khi trẻ tự nhủ là 'tôi đã cố gắng bằng tất cả mọi cách nhưng thế giới này chả thay đổi gì cả và có lẽ tự tử là cách thức tốt nhất để tôi thay đổi mọi thứ'", ông Nam nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết khi có ý định tự tử, trẻ thường cố gắng thay đổi bản thân và những điều xung quanh, nhưng mọi người lại vô tình không ghi nhận hoặc không đồng hành, tạo điều kiện để trẻ làm việc đấy. Điều này đã làm trẻ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và suy nghĩ "dù mình có cố gắng đến thế nào thì cũng chẳng thay đổi được gì".
Phụ huynh phải chú ý đến trẻ nhiều hơn
TS Trần Thành Nam cho rằng trong 2 năm qua, trẻ em ở nhà vì dịch bệnh nên đã tích lũy nhiều cảm xúc tiêu cực. Khi đi học trực tiếp trở lại, trẻ cần được hỗ trợ để kết nối với môi trường mới. Phụ huynh phải nhạy cảm phát hiện những dấu hiệu trẻ đang có ý định tự tử để sớm đưa ra giải pháp kịp thời.
"Nếu xem con cái của chúng ta là 'sự nghiệp' thì phụ huynh cần chú ý đến các con nhiều hơn. Bố mẹ cần nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần để phát hiện sớm những dấu hiệu tổn thương của con. Và khi nhận diện được các dấu hiệu đó thì chúng ta phải biết cách thức hành động phù hợp, đặc biệt với những trẻ đang có ý định tự tử", ông Nam nói.
Người lớn cần lắng nghe trẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy được quan tâm. Ảnh minh họa: Raisingteenagers. |
Theo ông, nhiều phụ huynh vẫn đang suy nghĩ sai lầm là nói chuyện với trẻ về vấn đề tự tử sẽ thúc đẩy suy nghĩ tự tử ở con. Tuy nhiên, trên thực tế, khi phụ huynh hỏi "vì sao con lại muốn tự tử", hay "tại sao con lại có những ý nghĩ chán chường như vậy", trẻ sẽ giải tỏa được cảm xúc và trút bầu tâm sự.
Ông Nam cho rằng việc bố mẹ ngồi bên cạnh, đặt câu hỏi và lắng nghe là "cái neo" để trẻ cảm nhận được sự quan tâm từ gia đình và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định về hành động của bản thân.
"Nếu mọi người không cảm nhận được nỗi đau của trẻ thì nó sẽ nghĩ là 'đến người thân yêu nhất của mình còn không hiểu thì ai hiểu mình nữa đây'. Điều này sẽ khiến trẻ xúc động và dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát", ông nói.
Đối với những gia đình đang nhận thấy trẻ có những dấu hiệu muốn tự tử, TS Trần Thành Nam khuyên phụ huynh ở cạnh con và không nên để trẻ một mình. Phụ huynh cần cố gắng thuyết phục hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc bệnh viện gần nhất. Bên cạnh đó, trong gia đình, phụ huynh cũng cần loại bỏ các loại dao kéo, dây thừng hoặc dụng cụ giúp trẻ tự tử, bao gồm cả thuốc.