Trao đổi với Zing về trường hợp ở Tây Ninh nhập viện với con rắn hổ mang chúa, các bác sĩ cho rằng việc giữ lại mạng sống cho người đàn ông này là điều may mắn vì không phải cơ sở y tế nào cũng có đủ huyết thanh kháng nọc độc.
Trường hợp hiếm gặp
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết sáng 20/8, bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh đã hết liệt, có thể tự thở.
Tuy nhiên, người đàn ông này cần được theo dõi thêm 2 ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể đối mặt nguy cơ tử vong vì viêm cơ tim do nọc rắn.
Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thêm trung bình mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận 600-700 ca cấp cứu do rắn độc cắn. Tuy nhiên, rắn hổ mang chúa có kích thước to được nạn nhân trực tiếp mang vào bệnh viện là trường hợp khá hiếm gặp.
"Tôi không rõ bệnh nhân có biết đây là rắn hổ mang chúa hay không. Tuy nhiên, nếu ông ấy biết mà vẫn cố bắt, thật sự quá liều lĩnh. May mắn, Bệnh viện Chợ Rẫy có huyết thanh kháng nọc độc", TS Hùng nói.
Một bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực - chống độc cũng cho hay trường hợp này giữ được mạng sống là khá may mắn. Đa số cơ sở y tế địa phương thường không có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn độc. Do đó, nhiều trường hợp tử vong vì cấp cứu chậm.
Thông thường, khi bị các loại rắn độc cắn như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia... nạn nhân dễ bị liệt cơ hô hấp, có thể tử vong trong 5 phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, nạn nhân cần được đặt ống thở và truyền huyết thanh kháng nọc càng sớm càng tốt.
"Tôi cho rằng người dân không nên liều lĩnh bắt rắn, nhất là các loại có nọc độc nguy hiểm. Vì không phải ai cũng may mắn như người đàn ông này", bác sĩ cho biết thêm.
Người đàn ông mang theo con rắn hổ mang chúa vào bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Báo Tây Ninh. |
Làm gì khi bị rắn độc cắn?
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết ở Việt Nam, rắn độc cắn là tai nạn phổ biến. Tai nạn này xảy ra nhiều nhất vào mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc (khoảng tháng 4-11).
Sau khi bị rắn cắn, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách để nọc độc từ vết thương xâm nhập vào cơ thể chậm và ít hơn. Sau đó, người thân nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Thời gian này, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, bất động bằng nẹp, không cần garo vết thương. Nếu khó thở, nạn nhân cần được hô hấp nhân tạo, giữ nhịp tim...
BSCKI Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cảnh báo những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát... thường là nơi cư trú của rắn.
Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân không nên chích, rạch vết thương để hút máu vì nó không giúp loại bớt nọc độc. Ngoài ra, vết thương chỉ cần được băng ép, không nên buộc garo quá chặt.
Trước đó, khi đang làm thuê trong vườn, ông P.V.T. (38 tuổi, Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh) phát hiện con rắn hổ mang chúa đen, dài nên đuổi theo để bắt. Bất ngờ, con rắn quay lại cắn vào đùi phải của ông. Người đàn ông chụp được đầu con rắn, tự garo vết thương.
Nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, trên tay cầm theo con rắn. Bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, cho biết người đàn ông nhập viện trong tình trạng tỉnh, thở đều, chân phải tím tái, chảy máu. Các bác sĩ xử lý băng ép đùi phải đến gối, tháo garo, rửa vết thương.
Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân gồng người, tím tái, thở gấp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp do rắn hổ mang chúa cắn nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thở máy.