Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần làm gì khi trẻ bị lé mắt?

Ở trẻ nhỏ, ngoài các tật cận thị và loạn thị, lé cũng là một bệnh lý đáng quan tâm, cần được chữa trị để đảm bảo khả năng nhìn cũng như tính thẩm mỹ.

BS. Việt Linh đến từ Phòng khám Mắt Hải Yến đã giải đáp độc giả Zing.vn về vấn đề này.

- Độc giả Hạ Anh (Hà Nội): Con tôi bị cận một mắt 0,75 độ, một mắt 1,25 độ kèm loạn 0,25 độ. Dạo gần đây khi xem ti vi, cháu hay để nghiêng mặt, nhìn lé qua một bên mắt. Tôi hỏi có phải vì cháu nhìn không rõ thì cháu bảo không phải. Vậy tại sao cháu lại nhìn qua "nửa con mắt" như vậy? Liệu cháu có bị vấn đề gì không thưa bác sĩ?

- BS. Việt Linh: Theo như bạn miêu tả, có thể bé nhà bạn bị bệnh lé mắt (lác mắt). Bình thường cấu tạo tự nhiên 2 mắt rất cân đối nhờ sự chi phối của các dây thần kinh và sự vận động phối hợp, điều hòa của 4 cơ trực và 2 cơ chéo bám vào nhãn cầu. Vì nguyên nhân nào đó chi phối khiến hai mắt không cân bằng, không cùng nhìn về một phía thì gọi là lé (lác) mắt. Lé là hiện tượng bệnh lý thật sự, thường phát sinh ở tuổi nhỏ, có khi từ lúc mới lọt lòng.

tre bi le mat anh 1
Lé ảnh hưởng đến khả năng nhìn và tính thẩm mỹ của mắt trẻ.

 

 

Lé có nhiều nguyên nhân, có thể do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị). Đặc biệt, bệnh xuất hiện khi có sự bất đồng khúc xạ do cấu tạo bất thường bẩm sinh của hệ vận động nhãn cầu (ở các cơ), do tổn thương thần kinh hay do hậu quả của bệnh ở não. Có người đột nhiên bị lé sau khi bị một bệnh nhiễm khuẩn, có khi bị lé sau một chấn thương, cũng có khi do một bệnh bẩm sinh làm giảm thị lực kéo dài ở một mắt mà không được chữa trị như đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, sụp mi…

Mọi nguyên nhân này đều dẫn đến sự khác lệch giữa 2 mắt, hình ảnh thu nhận giữa 2 mắt không khớp nhau. Mắt yếu hơn thu nhận hình vật mờ hơn, ngày càng giảm thị lực, lâu ngày người bệnh chỉ nhìn bằng một mắt, mắt kia bị lệch (lé). Do đó, bạn cần đưa bé đến khám tại cơ sở chuyên khoa mắt để xác định bé bị lé thực sự hay chỉ do tật khúc xạ, đeo kính sai độ, đeo kính sai cách… từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp cho bé.

Để hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp, báo Tri thức trực tuyến Zing.vn phối hợp với Hệ thống trung tâm Mắt Hải Yến thực hiện chương trình “Tư vấn các bệnh về mắt” trên chuyên mục Sức khỏe. PGS.TS.BS Trần Hải Yến - Bộ môn Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cố vấn cao cấp của Phòng khám Mắt Hải Yến cùng các bác sĩ, chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi, thắc mắc của độc giả. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về địa chỉ email suckhoe@zing.vn hoặc fanpage Haiyen Eye Center, 0913 666 665 và Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao An Sinh, 08 3845 3869 để được tư vấn.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm