Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cân não' cứu người đàn ông bị ung thư thận, tỷ lệ tử vong đến 90%

Bác sĩ Hồ Khánh Đức cho biết đây là cuộc mổ khó khăn, người bệnh có nhiều bệnh lý nền phức tạp, nguy cơ tử vong lên tới 90%.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, vừa hội chẩn liên viện với Viện Tim TP.HCM, để phẫu thuật cho ông P.H.P. (64 tuổi) mắc ung thư thận trái, có chồi bướu lan vào tĩnh mạch chủ đến gần sát tâm nhĩ phải.

Trước đó, ông P. tình cờ được phát hiện bướu thận trái, kích thước 68x49 mm, đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Bệnh nhân còn có triệu chứng tiểu máu đỏ tươi kèm theo máu cục.

Điều đáng lưu ý là khối u này có chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh nguy cơ tử vong chỉ trong vài ngày.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp phẫu thuật rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, bao gồm: Tiết niệu, mạch máu, tim mạch, gan mật, nội khoa và ê-kíp gây mê hồi sức.

Việc thực hiện phẫu thuật là quyết định phải “cân não” vì người bệnh có nhiều bệnh nền phối hợp (đái tháo đường type 2, xơ vữa mạch vành), nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong ngay, trong hoặc sau mổ lên tới 90%.

"Phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh trước khi chồi bướu xâm lấn vào tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi. Ca phẫu thuật có 10-20% cơ hội cứu được người bệnh bằng việc kiểm soát cùng lúc nhiều vấn đề bệnh lý phức tạp và sự phối hợp nhịp nhàng của các ê-kíp", bác sĩ chuyên khoa II Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, nhận định.

Ca phẫu thuật đòi hỏi các bác sĩ tham gia phải thực hiện từng thao tác thuần thục, chuẩn xác và tiết kiệm từng thời khắc cho người bệnh trên bàn mổ. Sáng 19/5, người bệnh được phẫu thuật. Ca mổ diễn ra trong khoảng 6 giờ.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ đảm bảo huyết động học cho người bệnh, cắt toàn bộ khối bướu, không để cho khối bướu chạy về tim lấp động mạch phổi. Đồng thời, người bệnh không bị mất máu quá nhiều.

"Đây là cuộc mổ khó khăn, bệnh lý nền phức tạp, nguy cơ tử vong lên tới 90%. Hậu phẫu ngày đầu tiên, người bệnh đã được rút nội khí quản, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định. 7 ngày sau mổ, người bệnh được xuất viện", bác sĩ Đức vui mừng nói.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ biến chứng tim mạch khi trời nắng nóng

Tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ do nhiệt, chúng còn có thể gây gánh nặng cho sức khỏe tim mạch.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm