Rác ngập trong căn nhà bà Kim Woodcock cho thuê ở vùng ngoại ô North Hobart. Ảnh: Nikki Davis-Jones. |
Kim Woodcock đang hy vọng xin được giấy phép lưu trú ngắn hạn sau khi tài sản ở vùng ngoại ô North Hobart (bang Tasmania, Australia) của bà bị một khách thuê bỏ lại với đống rác khổng lồ vào tháng 8/2022.
News.com.au đưa tin sau khi khách thuê rời đi mà không thông báo, Woodcock đến kiểm tra và kinh hãi trước những gì hiện ra trước mắt.
“Vừa mở cửa, tôi choáng váng và bị sốc. Tôi không thể tin được. Mùi hôi thối tràn ngập khắp nhà”, bà từng kể với The Mercury.
Theo Woodcock, “vỏ hộp thức ăn cho mèo, chai nước uống, túi mua sắm, thùng các tông,... bị vứt la liệt trên sàn”. Rác ngập đến mắt cá chân, bao gồm thức ăn ôi thiu và nấm mốc. Vật nuôi của khách thuê cũng phá hỏng đồ đạc.
“Tôi đi thẳng đến siêu thị và mua một số găng tay cao su cỡ lớn. Anh chàng này đã ở đây một thời gian. Tôi cũng nhiều lần giúp cậu ta trong lúc khó khăn. Thật đáng giận khi lòng tốt đặt không đúng chỗ”, bà nói.
Woodcock kinh hãi trước đống rác mà khách thuê bỏ lại. Ảnh: Nikki Davis-Jones. |
Bảy tháng sau, Woodcock tìm cách biến ngôi nhà thành nơi cho thuê ngắn ngày. Bà nộp đơn xin giấy phép lưu trú ngắn hạn thông qua hội đồng thành phố Hobart nhằm cho khách du lịch thuê trên các nền tảng như Airbnb, Stayz.
Tài sản bị ngập rác nằm trong dãy 6 ngôi nhà có sân thượng mà Woodcock sở hữu. Bà tuyên bố các ứng dụng nhằm cung cấp thêm lựa chọn và những căn nhà có thể không nhất thiết được sử dụng cho mục đích thuê ngắn ngày.
Woodcock cho biết thêm ngôi nhà hiện bị bỏ trống và 2 căn khác đang được cải tạo. Nhiều khách của bà cũng cân nhắc dọn đi sau khi hợp đồng kết thúc vì giá thuê quá cao.
Một số chủ nhà cho thuê khác và thành viên hội đồng thành phố Hobart chỉ trích đơn đăng ký của Woodcock, nói rằng hành động này góp phần vào cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà của địa phương.
Tuy nhiên, Louise Elliot, ủy viên hội đồng thành phố mới đắc cử, ủng hộ quyết định của Woodcock và cho rằng đó là mong muốn chính đáng.
Bà từng tận mắt chứng kiến tình trạng tồi tệ trong nhà của Woodcock. “Đó là cảnh tượng kinh khủng. Mùi hôi thối có thể ngửi thấy từ ngoài đường”.
Theo Elliot, thời gian lưu trú ngắn ngày giúp chủ nhà có thể chăm sóc tài sản của mình nhiều hơn. Bà nói thêm rằng Woodcock đã tiêu tốn khoảng 34.000 AUD để dọn dẹp đống rác.
Sau trải nghiệm kinh hoàng, bà Woodcock nộp đơn xin cho thuê nhà ngắn hạn để dễ quản lý tài sản hơn. Ảnh: Nikki Davis-Jones. |
Elliot nói rằng nhiều người ở Hobart đang đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nhà ở tại địa phương là do chủ sở hữu các cơ sở lưu trú ngắn ngày. Tuy nhiên, bà nhận định những nỗ lực giải phóng tiền thuê nhà nên được tập trung vào nơi khác.
Các giải pháp tiềm năng khác nên bao gồm nhiều nhà ở xã hội hơn, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà trong quy hoạch và các lựa chọn nhanh hơn.
“Tại cuộc họp hội đồng lần trước, tôi đã đưa ra kiến nghị khuyến khích mọi người thuê những phòng ngủ trống. Bởi trên khắp Australia, mỗi đêm có hàng triệu phòng bỏ không. Rõ ràng là hàng nghìn trong số đó sẽ ở Hobart. Thế nhưng, hội đồng lại bỏ phiếu phản đối”.
Thị trường cho thuê của Hobart là một trong những thị trường chật chội nhất tại Australia. Theo báo cáo của PropTrack tháng 2/2023, tỷ lệ nhà cho thuê còn trống của Hobart tăng 0,06 điểm phần trăm nhưng vẫn thấp hơn 31% so với mức trước đại dịch.
Tỷ lệ nhà trống hiện tại ở đây là 1,28%.
Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nhà trống giảm 31% kể từ tháng 3/2020.
Năm 2022, hội đồng thành phố Hobart đã thông qua giai đoạn đầu tiên của lệnh cấm đối với các cơ sở lưu trú ngắn ngày, nguyên căn mới ở khu vực nội thành.
Đề xuất này đang được tham vấn cộng đồng, với sự chấp thuận cuối cùng cần được Ủy ban Kế hoạch Tasmania ký duyệt.
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.