Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần tôn vinh nữ sinh phản ánh cô giáo không giảng bài suốt hơn 3 tháng

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định Song Toàn là nữ sinh có trách nhiệm khi thẳng thắn lên tiếng vì quyền lợi tập thể. Hành động của em cần được biểu dương, tôn vinh.

Sau khi phản ánh việc giáo viên dạy Toán không giảng bài trong suốt 3 tháng, em Phạm Song Toàn phải thừa nhận những áp lực và tổn thương trong chính ngôi trường mình đang học. Áp lực đó khiến gia đình phải xin chuyển trường cho nữ sinh.

Cần tôn vinh nữ sinh dũng cảm

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận chuyển trường cho Toàn không phải là giải pháp hay nhưng chúng ta cần tôn trọng nguyện vọng của em.

Trao đổi với Zing.vn bên lề toạ đàm về bạo lực học đường do báo Tiền Phong tổ chức chiều 11/4, bà Nghĩa đánh giá với tư cách là một lớp trưởng, bí thư đoàn trường, Toàn đã mạnh dạn phản ánh, nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhiều học sinh. Hành động này xuất phát từ tinh thần vì lợi ích tập thể.

"Toàn là một học sinh, bí thư đoàn trường có trách nhiệm", thứ trưởng khen ngợi.

nu sinh phan anh co giao khong giang bai anh 1
Song Toàn phải chuyển trường sau khi phản ánh giáo viên không giảng bài khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Minh Nhật.

Trước việc em Toàn phải chuyển trường, TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nhận định nhà trường cần tôn vinh, tuyên dương em Phạm Song Toàn.

PGS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - đồng tình với quan điểm này.

Ông cho rằng trong trường hợp của em Toàn, nếu có nhiều sự đồng tình, thậm chí khen ngợi, nhiều hơn trong bạn bè, nhà trường và thầy cô, chuyện sẽ chuyển biến theo hướng tốt hơn. Toàn có lẽ đã không phải xin chuyển trường để tránh sự cô lập, áp lực đến từ giáo viên và bạn học. 

Trong khi đó, cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), cho rằng vụ việc cần phải nhìn nhận từ cả hai phía.

Các thầy cô vẫn mang nặng tâm lý quan trọng việc dạy chữ nhưng chưa ý thức được việc phải làm gương cho các em. Giáo viên phải biết lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó giải quyết mâu thuẫn trong quá trình dạy và học.

Cô nói thêm cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng chắc hẳn có vấn đề về suy nghĩ. Về phía Song Toàn, em lên tiếng vì quyền lợi chung của lớp, thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận, nhưng nên đúng quy trình.

Thất bại của giáo dục?

Dù vậy, việc Toàn phải chuyển trường thực sự khiến nhiều người băn khoăn, day dứt. Nhiều người thậm chí coi đây là biểu hiện của một nền giáo dục thất bại. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng không nên căn cứ trường hợp đơn lẻ để quy kết cả nền giáo dục. 

nu sinh phan anh co giao khong giang bai anh 2
Hàng loạt sự việc xảy ra gần đây khiến nhiều người lo ngại về đạo đức nhà giáo. Ảnh: VTC News. 

Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, việc Song Toàn chuyển trường có thể xuất phát từ tâm lý ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý" - tâm lý chung của người Việt. Đương nhiên, nếu trường kịp thời động viên, kết cục có thể đã khác. 

Dù vậy, sự việc em Phạm Song Toàn chuyển trường cũng cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại trong ngành giáo dục nước ta. Phản ánh của em chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt tới "thương hiệu" của trường. Đáp lại, trường không thừa nhận "thất bại". Phải chăng giáo viên đang thiếu lòng dũng cảm đối mặt sai lầm của bản thân?

Không riêng vụ việc của nữ sinh TP.HCM, hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây cho thấy còn tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của không ít giáo viên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, bộ luôn xác định đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, bộ đang tăng cường đội ngũ, nâng cao chất lượng trường sư phạm, trong đó có cả việc siết chặt đầu vào.

Bên cạnh đó, bộ sẽ có quy định để tuyển chọn những người có năng lực, đào tạo chú trọng chuyên sâu trình độ vừa đào tạo chuẩn cả đạo đức sư phạm. Ngoài ra, các quy chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần sửa đổi, hoàn thiện.

Ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT - bổ sung bộ sẽ chú trọng hơn đến phần thực hành trong quá trình tuyển chọn nhà giáo nhằm đánh giá nghiệp vụ sư phạm, các ứng xử của giáo viên.

Ngoài ra, sau những vấn đề nảy sinh khiến dư luận băn khoăn về năng lực, đạo đức nhà giáo, bộ cũng lưu ý hơn đến công tác đối thoại giữa học sinh, giáo viên, nhà trường. 

Bà Nghĩa cho hay bộ sẽ rà soát các văn bản, điều lệ, quy chế, hoàn thiện các chuẩn nhà giáo, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các địa phương lập đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, vấn đề do học sinh, phụ huynh, giáo viên phản ánh. 

nu sinh phan anh co giao khong giang bai anh 3
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định cần chú trọng xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, đẩy lùi bạo lực học đường. Ảnh: Tiền Phong.

Song song với đó, công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cần được đẩy mạnh để học sinh hiểu và có kỹ năng ứng xử phù hợp.

Theo bà, việc học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng cho thấy các em đang thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân. Vì vậy, công tác xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cần được chú trọng, tránh lặp lại những chuyện đáng tiếc tương tự.

"Vừa rồi, để có các sự việc xảy ra, chứng tỏ việc xây dựng môi trường lành mạnh ở một góc độ nào đó vẫn chưa thật sự quyết liệt", bà khẳng định.

Nữ sinh bật khóc khi kể về cô giáo Cô giáo dạy Toán đến lớp không giảng bài, không trao đổi với học sinh khiến học sinh bức xúc.

Nữ sinh tố cô giáo im lặng được cấp học bổng, tôn vinh ở trường mới

Sau khi phản ánh cô giáo không giảng bài trong suốt hơn 3 tháng, nữ sinh Phạm Song Toàn buộc phải chuyển đi. Trường mới đã cấp học bổng toàn phần trị giá 300 triệu đồng cho em.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm