Ngày 14/4, Phát biểu tại diễn đàn “Các tổ chức xã hội hành động góp phần ngăn chặn nạn xâm hại tình dục và bảo vệ trẻ em”, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, chia sẻ: “Việc bảo vệ trẻ em cần được thực hiện bằng cái tâm, bền bỉ, trách nhiệm và tránh đánh bóng tên tuổi”.
Theo bà Hồng, một số địa phương nhận tiền tài trợ rất lớn của các tổ chức xã hội nhưng trên thực tế, số tiền này được dành vào các việc khác hơn là đến tay trẻ em.
“Các tổ chức, cá nhân 'đánh bóng tên tuổi' nhận được nhiều nguồn tài trợ từ trong nước và nước ngoài nhưng tôi tự hỏi việc chi cho trẻ em là bao nhiêu? Tuỳ theo mức độ, chúng ta phải xử phạt hành chính, truy tố trước pháp luật hoặc thu hồi giấy phép”, bà Hồng nhận định.
Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Ninh Thị Hồng (hàng đầu, bên trái) tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Như . |
Trao đổi với Zing.vn, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ trẻ em cho biết: “Tôi rất bức xúc và đau xót khi ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, do xấu hổ hoặc bị kẻ phạm tội mua chuộc, nhiều gia đình nạn nhân đã chần chừ, không tố cáo kịp thời”.
"Chúng ta cần coi tội xâm phạm trẻ em là một tội ác man rợ, như tội giết người", bà nhấn mạnh.
Theo quan điểm cá nhân của bà Hồng, tuỳ từng trường hợp mà nạn nhân bị xâm hại nên giữ lại hoặc phá thai. "Trong trường hợp thai quá lớn hoặc sức khoẻ bé gái rất yếu, thì nên giữ lại. Song, gia đình và xã hội cần có sự chăm sóc đặc biệt về tâm lý, tình cảm. Không nên để nạn nhân trực tiếp nuôi đứa bé, để tránh sự mặc cảm và dễ dàng hoà nhập cộng đồng", bà cho biết.
Bên cạnh đó, bà Hồng khẳng định mỗi ngày, Hội bảo vệ quyền trẻ em nhận được rất nhiều đơn thư từ các gia đình trình báo về vụ việc con em mình bị xâm hại. “Toàn những vụ ‘khét mù", bà gay gắt.
Minh chứng cho điều vừa nói, bà Hồng kể rằng trong nhiều vụ việc, hội đã lên tiếng, liên tục gửi công văn tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, sự thật mới được phơi bày, hung thủ mới phải trả giá cho tội ác. Thậm chí, nhiều vụ xâm hại trẻ em dần dần chìm vào quên lãng.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đồng tình với ý kiến: “Việt Nam đang rất thiếu các hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em: “Chúng ta cần củng cố và phát triển nhanh chóng các dịch vụ trị liệu tâm lý. Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, cưỡng hiếp có những tổn hại về tinh thần còn nặng nề hơn những nỗi đau thể chất”.
Ông Nam đưa ra lời khuyên người thân, gia đình không chỉ có trách nhiệm lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại tình dục, mà cần "biết cách lên tiếng" để bảo vệ quyền riêng tư, tương lai phát triển lâu dài của trẻ.