Liên quan tới phương pháp thẩm mỹ hút mỡ bụng, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo không phải người nào béo cũng nên thực hiện.
Những người có lớp mỡ trung bình (không quá nhiều), có thể tỷ lệ thành công rất cao, trong khi với những phụ nữ béo đều từ đầu đến chân hoặc quá béo, tốt nhất không nên thực hiện biện pháp này.
“Phụ nữ quá béo dù hút bao nhiêu mỡ cũng không thể có eo. Bởi lúc này, tế bào mỡ trở thành u (có khi cắt ra to như quả trứng), khó hút hết. Ngoài ra, mỗi một lít mỡ hút ra chứa 1/3-1/4 là máu. Vì vậy, bác sĩ càng hút nhiều, bệnh nhân càng mất máu, đôi khi làm tổn thương mạch, mỡ chui vào trong mạch gây bít tắc động mạch phổi, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, chị em béo quá hút mỡ sẽ rất nguy hiểm”, vị chủ nhiệm khoa phân tích.
Bên cạnh biến chứng nguy hiểm kể trên, PGS Sơn cho biết dễ gặp nhất là tình trạng chảy máu hoặc hút sát da gây hoại tử. Ngoài ra, nếu kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm sẽ làm đường bụng của bệnh nhân không phẳng, gây mất thẩm mỹ. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm trùng do vệ sinh không tốt cũng rất hay xảy ra.
Hút mỡ bụng có nhiều biến chứng khó lường. |
Chuyên gia thẩm mỹ Hoàng Tuấn cũng cho biết mặc dù hút mỡ được xem là một thủ thuật thẩm mỹ tương đối an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra sự cố.
“Hầu hết ca có sự cố như tại Thẩm mỹ viện Cát Tường hay một số ca khác ở phía nam đều do không gây mê mà gây tê quá liều dẫn đến ngộ độc”, bác sĩ Tuấn phân tích.
Theo chuyên gia này, một số trường hợp bị dị ứng với thuốc gây tê, dù trước đó có làm đầy đủ xét nghiệm cận lâm sàng, thử máu cũng không biết được. Trừ trường hợp bệnh nhân từng dị ứng với thuốc gây tê trước đó và được khai thác bệnh sử đầy đủ. Thậm chí, nhiều trường hợp bị phản ứng rất dữ dội với một số loại thuốc, chỉ cần ngửi cũng lên cơn co giật, trụy mạch.
Do đó, khi thực hiện hút mỡ, kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ gây mê rất quan trọng. Nếu tiêm thuốc quá nhanh sẽ dẫn đến không xử lý kịp. Bác sĩ nên đưa thuốc vào từ từ, khi bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, cần dừng ngay, khi đó lượng thuốc vào cơ thể ít, dễ xử lý hơn.
Để phòng các biến chứng không mong muốn khi hút mỡ bụng, PGS.TS Tài Sơn khuyến nghị bệnh nhân cần tìm hiểu về rủi ro, bất tiện khi lựa chọn biện pháp làm đẹp này. Chị em nên đến bệnh viện thực hiện bởi nếu xảy ra biến chứng, quá trình xử lý sẽ kịp thời hơn.
Ông cho rằng cách làm đẹp này chỉ nên áp dụng cho những người có thân hình cân đối (không béo đều toàn thân), khỏe mạnh, da có độ đàn hồi tương đối tốt, không mắc chứng tiểu đường, rối loạn đông máu, nhiễm trùng và lượng mỡ máu vừa phải.
“Nhiều trường hợp, hút mỡ xong một thời gian lại trở về như cũ. Vì vậy, muốn giảm béo, bạn phải kiêng ăn, tập thể dục và kết hợp nhiều biện pháp khác”, ông Sơn nói thêm.
Quy trình hút mỡ bụng
Theo PGS Sơn, quy trình lấy lại vóc dáng thon gọn cho chị em bằng cách hút mỡ được tiến hành qua các bước sau:
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết, cân nhắc trường hợp này có nên tiến hành phẫu thuật hay không, giúp hạn chế rủi ro, biến chứng.
- Đánh dấu những khu vực mô mỡ có thể loại bỏ. Vị trí hút thường được xác định thông qua đánh giá tình trạng tâm lý cũng như xem xét độ đàn hồi của da bệnh nhân.
- Ống hút được đưa vào cơ thể bệnh nhân thông qua một đường chích tối đa chỉ 5 mm nên không để lại sẹo. Quá trình hút mỡ diễn ra khá lâu và đòi hỏi kỹ thuật viên phải có sức khỏe và kiên trì để vừa sử dụng ống hút thủ công liên tục, vừa đảm bảo độ an toàn của các tổ chức dưới da.
- Bên trong cơ thể, ống thông liên tục làm nới lỏng các mô mỡ dưới bụng. Sau đó, máy bơm chân không hút mỡ ra bên ngoài. Đối với một người khỏe mạnh, lượng mỡ hút tối đa một lúc tại tất cả bụng, đùi, mông là 300 ml, nếu vượt quá dễ gây nhiều biến chứng có hại.