Một buổi tối tháng 6, khi nằm lướt mạng trước giờ đi ngủ, nhảy qua lại giữa Instagram, YouTube, Twitter và TikTok như vẫn thường làm, tôi nhận ra bản thân không thể chống lại cảm giác ngột ngạt đang len lỏi trong tâm trí.
Cất điện thoại sang một bên và cố gắng nhắm mắt để chìm vào giấc ngủ, nhưng dòng suy nghĩ tiêu cực cứ khiến tôi bồn chồn.
Tôi không nhớ ai là người cuối cùng khiến mình ghen tỵ - YouTuber 20 tuổi vừa mua ngôi nhà triệu đô thứ 2, hay nhạc sĩ trở thành ngôi sao TikTok có video ca nhạc đạt 200 triệu view, người mà mới vài tháng trước vẫn sống một cuộc đời bình thường như bạn và tôi.
"Mình đủ tốt chưa? Sao mình không cố gắng thêm? Mình đang làm cái quái gì với cuộc đời mình vậy? Tại sao là họ mà không phải mình?", tôi tự vấn bản thân liên tục, càng thất vọng vì không tìm thấy câu trả lời.
Mạng xã hội đầy rẫy những hình ảnh về cuộc sống xa hoa, xây dựng nên tiêu chuẩn thành công phi thực tế với nhiều người. |
Luôn thua kém người khác
Tôi từng nghĩ đến năm 25 tuổi, mình sẽ đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Dù đã đánh dấu được vào một số ô của "sự thành công", chẳng hạn tốt nghiệp đại học và có một công việc toàn thời gian ổn định, tôi vẫn thấy còn phải làm gì đó hơn nữa.
Tâm lý này có thể do tôi là một đứa trẻ lớn lên trong thế giới Internet. Tôi đã dành những năm tháng lớn lên trên mạng xã hội, có tài khoản Facebook đầu tiên vào năm 2008 khi tròn 12 tuổi.
Đó là thời gian mà câu chuyện về những người thành sao nhờ mạng xã hội như Justin Bieber bắt đầu xâm nhập vào văn hóa đại chúng. Theo thời gian, số câu chuyện tương tự tăng lên theo cấp số nhân, và tôi luôn theo dõi chúng với sự ghen tỵ.
Tôi luôn nhắc nhở mình rằng thành công là kết quả của sự chăm chỉ. Nhưng thật khó để giữ vững niềm tin đó khi những nội dung trên mạng xã hội cho thấy vận may đóng vai trò quan trọng trong thành công của một người. Điều đó càng khiến tôi tự hỏi tại sao mình chưa thành người may mắn?
Nhiều người thấy thành tựu của mình là không đủ khi so sánh với những ngôi sao trên mạng. |
Các chương trình truyền hình thực tế gieo vào đầu tôi lối suy nghĩ sai lầm rằng tuổi trưởng thành sẽ tràn ngập những chuyến phiêu lưu, và một bất ngờ sẽ bùng nổ cuối tuổi thiếu niên, rồi tôi có được một màn cầu hôn xa hoa đáng mong đợi ở độ tuổi 20.
Những thông điệp về cuộc sống lý tưởng đang được xây dựng bởi một nhóm người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trẻ tuổi hơn tôi và dường như vượt trội về mọi mặt cuộc sống.
Đôi khi, tôi không tránh được cảm giác rằng mọi thành tựu của mình chẳng là gì so với những ngôi sao mạng xã hội kia. Tôi thường lên mạng để tìm sự thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng cuối cùng lại phải cố chống chọi với sự lo lắng, bất an.
Đã có lúc tôi muốn xóa tài khoản vì quá chán nản với cảm giác thấp kém của mình. Nhưng đôi khi thay vì xóa tài khoản, tôi xóa danh sách những influencer mà mình theo dõi để giảm bớt cảm giác thua kém.
Cách ly với mạng xã hội
Không chỉ những người giàu có, thành công mới kích hoạt cảm giác thua kém. Instagram đã khai sinh ra nền văn hóa quản lý hình ảnh rộng rãi, nơi mọi người thể hiện lối sống hoàn hảo, phóng khoáng trong không gian xa hoa, sở hữu thân hình hoàn mỹ.
Tôi thường nhìn chằm chằm vào gương lúc 2h sáng, săm soi gương mặt mình từ mọi góc độ, tự hỏi chiếc mũi mình có ổn không, việc massage mặt hàng ngày có giúp nâng cơ mặt, đường viền hàm sắc nét và cổ thon dài.
Tiêu chuẩn đẹp phi thực tế được hình thành qua các bộ lọc, phần mềm chỉnh ảnh. |
Instagram thậm chí bị các nhà phê bình chỉ trích vì đã tạo ra tiêu chuẩn mới phi thực tế về vẻ đẹp như đôi môi căng mọng, mũi cao và thân hình đồng hồ cát - thứ mà những người có sức ảnh hưởng có được thông qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Khi chia sẻ vấn đề này với bạn bè, tôi phát hiện họ cũng có những nỗi lo tương tự. Những hình ảnh được chỉnh sửa hoàn hảo trên mạng đã hình thành các tiêu chuẩn phi thực tế cho nhiều người trong chúng ta.
Một người bạn của tôi từng phụ thuộc vào các bộ lọc trên app chụp hình, vốn phổ biến trên mạng, để đạt được diện mạo như ý. Cuối cùng, cô ấy thậm chí không thể chấp nhận dáng vẻ thực sự của mình khi thiếu bộ lọc.
Cô đã phải dừng sử dụng mạng xã hội một thời gian để học cách chấp nhận bản thân.
Một người bạn khác phải tắt thông báo về các câu chuyện và bài đăng trên Instagram của những bạn bè chuẩn bị kết hôn trong khi mối quan hệ của cô rạn nứt.
"Mắt không thấy, tim không đau", cô ấy khuyên tôi.
Ông John Shepherd Lim, Giám đốc An sinh của Trung tâm Tư vấn Singapore, cũng đưa ra lời khuyên tương tự.
"Nếu bạn không thể điều chỉnh cảm xúc tiêu cực nảy sinh từ việc dùng mạng xã hội, hoặc nhận thấy nó khiến mình mất tự tin trong thời gian dài, hãy cân nhắc tiết chế hoặc tránh xa nó hoàn toàn, cho đến khi bạn cảm thấy điều chỉnh được cảm xúc cá nhân", ông nói.
Lim nói thêm rằng thay vì dành thời gian cho mạng xã hội, bạn có thể tập trung vào "xây dựng quan điểm về giá trị bản thân".
Ông nhận định suy ngẫm về định nghĩa thành công của bản thân là điều có lợi và nên hiểu rằng phiên bản thành công của mình không giống với những người khác.
"Hãy hiểu các giá trị của bản thân và giữ lấy chúng, sống theo những điều kiện của bạn, tôn vinh những gì bạn giỏi và chấp nhận con người thật của mình".