Sống tại một trong những nước có các thành phố đô thị hóa nhanh nhất thế giới trong những thập kỷ qua, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với không ít hệ luỵ kéo theo.
Nếu cuối những năm 80, chỉ có khoảng 25% dân số sống ở các thành phố thì đến năm 2018, con số này đã là gần 60%.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người dân sống tại các thành phố lớn của nước này hiện phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều về nhà ở, thu nhập, việc làm và chăm sóc con cái, phụ huynh so với người dân ở các thành phố nhỏ.
Giá nhà đất tại các thành phố lớn Trung Quốc không ngừng tăng trong các năm qua. Ảnh: Xinhua. |
Theo đó, những người kiếm được không quá 7.000 nhân dân tệ (khoảng 1.000 USD/tháng) phải chịu sự căng thẳng nhiều hơn hẳn nếu đang sống tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến hay Quảng Châu.
Bên cạnh đó, giao thông, khói bụi cũng là một yếu tố khiến cư dân ở các siêu đô thị căng thẳng mỗi ngày. Họ cũng không hài lòng về cuộc sống hôn nhân của mình so với những người sống tại các khu vực thưa thớt hơn.
Các phát hiện này dựa trên cuộc khảo sát của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc với hơn 22.000 người trong độ tuổi 18-70, được chia thành 6 nhóm dựa trên quy mô, dân số và GDP thành phố họ sinh sống.
Người dân sống tại các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn nếu không có thu nhập ổn định. Ảnh: AFP. |
"Trong thập kỷ qua, giá nhà tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng đến mức phần lớn người dân không thể mua nổi. Tỷ lệ này cũng tăng nhanh trong nhóm thành phố lớn thứ 2, thứ 3", nghiên cứu trên nhận định.
Ngoài ra, trong khi nam giới thành thị thường cảm thấy áp lực về công việc, phụ nữ lại lo lắng về y tế và không hài lòng với hôn nhân.
Tuy nhiên nhìn chung, sức khỏe tinh thần của phụ nữ vẫn tốt hơn nam giới.
"Phụ nữ thích nghi với môi trường sống nhanh hơn, quan tâm đến sự phát triển của bản thân, biết tận hưởng các mối quan hệ gần gũi và có mục tiêu cuộc sống rõ ràng hơn", nghiên cứu này nhận xét.