Các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bệnh nhân là nam, 54 tuổi, ở Đội Cấn, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt.
Người nhà bệnh nhân cho biết khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gia đình mua cồn ở hiệu thuốc gần nhà để sát khuẩn. Do chủ quan, tin tưởng nhà thuốc, gia đình sử dụng mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác: "Dùng làm chất đốt và rửa kính".
Hình ảnh chai cồn mà bệnh nhân đã uống nhầm, dẫn đến ngộ độc. Ảnh: BVCC. |
Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân đã uống nhầm khoảng 100 ml cồn, sau đó xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Rất may, do đến viện kịp thời, được xử trí lọc máu khẩn cấp, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện tại, người bệnh còn di chứng mờ mắt.
Trung tâm đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 56%.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết loại cồn sát trùng thực sự chúng ta cần dùng phổ biến là ethanol. Trong khi đó, cồn công nghiệp methanol lại là hóa chất độc hại không được dùng làm sát trùng.
Trung tâm chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp methanol và nước). Mặc dù trên nhãn ghi công dụng chỉ dùng "dùng làm chất đốt và rửa kính", có nghĩa là hóa chất độc hại, hoàn toàn không liên quan y tế, loại cồn này lại được bán ở hiệu thuốc.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cho biết do các đặc điểm dễ nhầm lẫn, đều có chữ "cồn 70 độ" và lại được bán ở hiệu thuốc, người dân dễ dàng mua về sử dụng không đúng dẫn tới ngộ độc. Nếu dùng quá nhiều trên diện da rộng và nhiều lần hoặc kéo dài, loại cồn này ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não).
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân khi mua cồn về sát trùng phải xem kỹ các thông tin trên nhãn mác, đặc biệt về công dụng, thành phần cụ thể rõ ràng để tránh sử dụng nhầm mục đích, dẫn đến gây hại cho sức khỏe.