Hơn 1 năm trước, Ramprakash Kharge ở thành phố Pune (Ấn Độ) tỉnh dậy với cơn đau kỳ lạ ở chân. Khi nhìn vào chỗ đau, ông thấy vết sưng tấy. Người nông dân 64 tuổi tự hỏi phải chăng lần trượt chân trước đó gây ra tình trạng này. Không để tâm nhiều, ông vẫn đi làm bình thường.
Nhưng rồi ông thấy vùng da xung quanh vết cắn đổi màu. “Vết sưng của cha tôi chuyển sang màu xanh, đen và mọi người nghi ngờ ông bị rắn cắn”, con trai ông, Kiran, nói với Better India.
Mỗi năm có có hàng chục nghìn người ở Ấn Độ tử vong vì rắn cắn. Ảnh minh họa: A-z-animals. |
Ông Kharge vội vã đến Phòng khám Điều dưỡng Vighnahar ở Narayangaon và được theo dõi trong ba ngày.
“Cha tôi đang phải thở máy. Bác sĩ nghi ngờ có thể ông ấy đã bị rắn lục Russell cắn. Chúng tôi rất sợ hãi vì đây là trường hợp đầu tiên bị rắn độc như vậy cắn trong gia đình”, anh Kiran kể.
“Chúng tôi lo ngại nọc độc có thể đã lan đến thận và tim. Bác sĩ đã phẫu thuật để loại bỏ chất độc. Mỗi khoảnh khắc đều khó khăn đối với chúng tôi. Ca phẫu thuật đã thành công và bố tôi an toàn”, anh Kiran nhớ lại.
Vị cứu tinh cho ông Kharge là vợ chồng bác sĩ Sadanand và Pallavi Raut. Họ đã cứu sống ít nhất 6.000 nạn nhân bị rắn cắn trong khu vực Narayangaon.
Mục tiêu không có người tử vong vì rắn cắn
Sinh ra ở làng Umbraj ở Pune, bác sĩ Sadanand Raut tốt nghiệp ngành y năm 1992. Ông bắt đầu hành nghề tại ngôi làng Narayangaon gần đó.
"Ngày nọ, một người công nhân gọi điện báo với tôi rằng con gái anh ấy bị rắn hổ mang cắn. Cô bé bị đau dữ dội và khó thở. Tôi bảo anh ấy đưa con đến bệnh viện ngay. Thật không may, bệnh nhi đã chết trên đường đi. Cô bé mới 8 tuổi”, bác sĩ nhớ lại.
Sự việc đau buồn đã khiến bác sĩ Sadanand quyết tâm không để người nào trong làng chết vì rắn cắn.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, ông phát hiện người dân trong vùng trồng các loại cây như đậu nành, lạc, mía quanh năm thường xuyên gặp phải rắn.
Ở Ấn Độ, khoảng 90% số ca rắn cắn liên quan tới “tứ đại” - cạp nong, hổ mang Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục hoa cân. Bác sĩ Sadanand cho biết, nếu tiêm huyết thanh kháng nọc độc chậm trễ, vết rắn cắn có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong.
Trung tâm y tế cơ sở thiếu thuốc kháng nọc độc hoặc thiết bị hỗ trợ như máy thở. Họ cũng không được đào tạo để xử lý những trường hợp khẩn cấp như vậy.
Ngoài ra, những bệnh nhân bị nặng phải vào thành phố để điều trị, khiến nhiều người sẽ chết trên đường đến bệnh viện. Một số người tới khám ở chỗ các thầy lang băm và lãng phí thời gian vàng để điều trị.
Bác sĩ Sadanand bắt đầu trang bị cho bệnh viện của mình các thiết bị cần thiết như máy theo dõi nhịp tim, máy thở và bình oxy. Khoảng 30 năm qua, ông nỗ lực vì sứ mệnh "không có trường hợp tử vong do rắn cắn trong khu vực".
Vợ chồng bác sĩ Sadanand Raut. Ảnh: Better India. |
Những điều nên và không nên làm khi bị rắn cắn
Mỗi năm, bác sĩ Sadanand gặp tới 200 trường hợp bị rắn cắn. Trong những ngày gió mùa, ít nhất 12 bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế mỗi ngày. Không có sự hỗ trợ của nhân viên được đào tạo, vợ chồng bác sĩ Sadanand phải làm việc suốt ngày đêm.
“Khi nghi ngờ bị rắn cắn, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Sau khi bị rắn cắn, người bệnh bắt đầu hoảng sợ, có thể làm tăng huyết áp. Gia đình nên trấn an người bệnh rằng họ không cần phải lo lắng vì việc điều trị kịp thời sẽ cứu sống họ.
Ngoài ra, người bị rắn cắn không nên đi bộ hoặc chạy vì chất độc có thể lưu thông đến tim và não. Ông cho biết thêm, bệnh nhân nên được chuyển đến bệnh viện ở tư thế nằm nghiêng”, bác sĩ Sadanand khuyên.
Hai vợ chồng bác sĩ đã tiến hành chương trình nâng cao nhận thức ở các làng, trường học, cao đẳng, lâm nghiệp và cao đẳng y tế. Họ cho biết đã đào tạo 10.000 học sinh, 2.000 giáo viên, 1.500 công nhân để giúp họ xác định các loài rắn độc cũng như những điều nên làm và không nên làm khi bị rắn cắn.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn