Niềm vui của các bác sĩ và người bệnh sau một quá trình chiến đấu với cửa tử. Ảnh: BVCC. |
Ngày 5/2, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay người bệnh là bà Đào Thị Tuyết, 72 tuổi, ngụ Phú Thọ, nhập viện vì đau ngực trái.
Trước khi đến bệnh viện, bà được cấp cứu tại Trung tâm y tế Hạ Hòa (Phú Thọ), chẩn đoán sốc tim do nhồi máu.
Lúc đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh đã rơi vào tình trạng sốc tim rất nặng, huyết áp tụt thấp và mạch rời rạc. Sau 5 phút nhập viện, bà Tuyết bị ngừng tim.
Các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Từ đây, cứ sau mỗi lần cấp cứu, tim của bệnh nhân chỉ đập 3-5 phút rồi lại ngừng. Đến lần thứ 6, gia đình của bà Tuyết xin về vì thấy không còn hy vọng.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã khuyên người nhà "còn nước còn tát", tiếp tục cấp cứu ngừng tim cho người bệnh. Khi tim đập trở lại, một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra giữa các khoa.
Người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức yêu cầu trong tình trạng bệnh rất nặng với 7 lần ngừng tim. Ảnh: BVCC. |
Người bệnh được chuyển thẳng lên phòng can thiệp tim mạch với tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn tối đa, dùng thuốc vận mạch liều cao.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tim của người bệnh tổn thương nặng, trong đó có nhánh động mạch vành phải tắc hoàn toàn. Bệnh nhân được đặt stent, tái thông dòng máu cấp nuôi cho tim và đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Tuy nhiên, sau can thiệp, bà Tuyết tiếp tục ngừng tim lần thứ 7. Bác sĩ cấp cứu ngừng tim liên tục trong 10 phút. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến, tim bệnh nhân đập trở lại trong lồng ngực.
Khi về khoa, người bệnh vẫn hôn mê sâu, đồng tử giãn tối đa, phản xạ ánh sáng rất yếu, sốc nặng do toan chuyển hoá, suy đa cơ quan, rối loạn điện giải nặng.
Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân thở máy, đặt PICCO (hệ thống theo dõi huyết động cấp cao) để theo dõi huyết động, lọc máu liên tục điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, bù điện giải và điều chỉnh các thông số. Chuẩn bị sẵn sàng ECMO trong tình huống người bệnh diễn biến xấu hơn.
Sau 24 giờ hồi sức liên tục, người bệnh có tín hiệu của sự sống và dần phục hồi. Các thuốc vận mạch được giảm liều, chức năng thận dần hồi phục, người bệnh có nước tiểu trở lại.
Đến ngày thứ 5 điều trị, tình trạng hô hấp, huyết áp của bà ổn định. Đặc biệt, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không có bất kỳ di chứng thần kinh nào mặc dù thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi tại bệnh viện.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.