Nhiều học sinh đi xe điện khi chưa đủ 16 tuổi có thể gây nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh. Ảnh: Lê Hiếu. |
Nhiều học sinh THPT, thậm chí THCS lựa chọn di chuyển hàng ngày bằng xe điện. Tuy nhiên, đây là phương tiện tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm do có thể điều khiến với tốc độ nhanh. Nếu gặp tai nạn bất ngờ không xử lý kịp, người đi xe có thể gặp phải tai nạn đáng tiếc.
Bị thương nặng, thậm chí tử vong
Đầu năm nay, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), tiếp nhận liên tiếp 2 bệnh nhi gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trong lúc đi chơi với nhóm bạn.
Trường hợp đầu tiên là nhóm 3 nam sinh THPT ở Gia Lai điều khiển xe đạp điện đi chơi. Khi đến con dốc cao, vì khu vực vốn vắng vẻ, nam sinh ngồi trước đỗ xe giữa đường để đi vệ sinh.
Lúc này, một xe máy đổ dốc ngược chiều tông thẳng vào 2 nam sinh khiến một em tử vong tại chỗ. Nam sinh còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương, dập phổi, tổn thương não.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với nhóm 3 nữ sinh điều khiển xe đạp điện va chạm với xe tải. Vụ tai nạn khiến một nữ sinh tử vong. Hai em còn lại bị thương nặng. Các bác sĩ phải vi phẫu xuyên đêm để cứu cánh tay cho một nữ sinh.
Một trường hợp bệnh nhi bị thương nặng do tai nạn giao thông khi điều khiển xe máy điện. Ảnh: BVCC. |
Gần đây hơn, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay đơn vị này liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đang học THPT, THCS chấn thương nặng do điều khiển xe đạp, xe đạp điện va chạm với các phương tiện khác.
Em V.M.Đ. (12 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp) va chạm với ôtô đi ngược chiều khi đang điều khiển xe đạp điện. Đ. được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng li bì, khó thở, nôn nhiều, tay phải tê bì, giảm vận động, vết thương vùng cổ chảy máu nhiều.
Qua khám nghiệm ban đầu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ, tràn khí phần mềm trước cột sống.
Trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe máy điện là vi phạm pháp luật
Những tai nạn kể trên trên đều không phải là trường hợp hiếm gặp đối với trẻ vị thành niên khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận định xe đạp, xe máy điện có tốc độ nhanh, dễ gặp nguy hiểm nếu xử lý không tốt trong khi các em không đội mũ bảo hiểm.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cũng cho hay đơn vị của ông từng nhiều trường hợp trẻ em trong độ tuổi học đường bị tai nạn giao thông có liên quan xe đạp, máy điện.
"Xe đạp, máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em mình để tiện đi học, do loại phương tiện này không cần bằng lái xe, học sinh cấp 3 đi được. Tuy nhiên, một số em thiếu ý thức, thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông bằng phương tiện này có thể gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng", tiến sĩ Cương nhận xét.
Chuyên gia này cảnh báo việc cho con em sử dụng xe đạp điện quá sớm khi chưa đủ tuổi cũng như việc sử dụng xe có tốc độ tối đa quá cao tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi tham gia giao thông đường bộ. Do đó, cha mẹ, nhà trường cần kiểm soát sát sao hơn.
Theo quy định tại khoản 1 điều 60 của Luật giao thông đường bộ 2008, những người đủ 16 tuổi trở lên sẽ được điều khiển xe gắn máy hoặc các phương tiện tương tự có dung tích xi-lanh không vượt quá 50 cm3.
Theo đó, học sinh cấp 2 có độ tuổi 11-14 tuổi và học sinh THPT dưới 16 tuổi sẽ không được dùng xe máy điện để lưu thông trên đường.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.