Bác sĩ cảnh báo trẻ vị thành niên điều khiển xe đạp điện có nguy cơ gặp tai nạn nếu các em thiếu kiến thức an toàn giao thông, chủ quan khi di chuyển. Ảnh: Hoàng Anh. |
Chiều 4/5, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết thời gian gần đây, đơn vị này liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông. Điểm chung của các trường hợp này là trẻ điều khiển xe đạp, xe đạp điện va chạm với các phương tiện khác.
Tình huống mới đây, P.T.Y.N. và P.T.T. (thường trú huyện Nghi Lộc) là 2 chị em ruột, bị tai nạn do điều khiển xe đạp điện va chạm với xe máy đi cùng chiều. Hai bé được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng xây xát vùng mặt, chân, tay.
Sau khi được băng cầm máu vết thương, 2 chị em được chuyển khoa Chấn thương tiếp tục điều trị. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh tiến triển tốt, 2 chị em được ra viện, may mắn không gặp thương tích quá nghiêm trọng.
Bé trai phải đeo nẹp định hình cổ và trầy xướt nhiều vùng trên cơ thể sau tai nạn giao thông. Ảnh: BVCC. |
Một trường hợp khác cũng bị tai nạn trong lúc điều khiển xe đạp điện là em V.M.Đ. (12 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp).
Ngày 25/4, bé Đ. va chạm với ôtô đi ngược chiều khi đang điều khiển xe đạp điện. Em nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng li bì, khó thở, nôn nhiều, tay phải tê bì, giảm vận động, vết thương vùng cổ chảy máu nhiều.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh tụ khí nội sọ vùng quanh cầu não, tổn thương đốt sống cổ C2-C6, tràn khí phần mềm trước cột sống.
Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức, Ngoại khoa, Răng - Hàm - Mặt, bệnh nhi được cố định cột sống cổ, thở oxy hỗ trợ, băng vết thương cầm máu, điều trị ổn định huyết động. Sau khi cấp cứu ổn định, cháu Đ. được chuyển về khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị.
Tiến sĩ Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho hay đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông có liên quan xe đạp, máy điện mà đơn vị này từng tiếp nhận, đặc biệt đối với trẻ em ở lứa tuổi học đường.
"Xe đạp, máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em mình để tiện đi học, do loại phương tiện này không cần bằng lái xe, học sinh cấp 3 đi được. Tuy nhiên, một số em thiếu ý thức, thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông bằng phương tiện này có thể gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng", TS Cương nhận xét.
Chuyên gia này cảnh báo việc cho con em sử dụng xe đạp điện quá sớm khi chưa đủ tuổi cũng như việc sử dụng xe có tốc độ tối đa quá cao tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi tham gia giao thông đường bộ. Do đó, cha mẹ, nhà trường cần kiểm soát sát sao hơn.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.