Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo ‘thối não’ sau livestream đấu tố của ViruSs và hội bạn gái cũ

Sau drama tình ái của ViruSs, dư luận xôn xao về tác động tiêu cực từ nội dung nhảm nhí, ít giá trị. Chuyên gia truyền thông cảnh báo về hiện tượng "thối não" trên mạng xã hội.

Ngày 29/3, ViruSs livestream xin lỗi và tuyên bố khép lại mọi ồn ào trong khi các bên khác cũng im lặng sau đó. Ảnh: Đặng Tiến Hoàng, Diệu Huyền (Pháo)/Facebook.

Bài đăng với hơn 85.000 lượt cảm xúc, 10.000 bình luận và gần 800 lượt chia sẻ đã tóm gọn dư âm vụ việc: Ngọc Kem tăng follow, Pháo có hit top 1 trending (danh sách thịnh hành của YouTube - PV) mà không cần PR (hoạt động quảng bá), ViruSs livestream đối chất liên tục, thu về tiền tỷ (chưa kiểm chứng). Còn cộng đồng mạng thì mất thời gian, cảm xúc, nhưng đến cuối vẫn không thấy bằng chứng hay cái kết rõ ràng.

Tất cả bắt đầu bằng livestream của Ngọc Kem tố bị phản bội, tiếp nối là phản hồi từ ViruSs và MV ẩn ý của Pháo. Đỉnh điểm là buổi livestream đối chất thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem. Ngày 29/3, ViruSs xin lỗi, khép lại mọi ồn ào. Các bên liên quan cũng im lặng sau đó.

Cách mọi thứ bung ra và khép lại như được lên lịch khiến nhiều người nghi ngờ đây là một chiến dịch truyền thông được dàn dựng tinh vi. Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh phủ nhận điều đó và chỉ ra vấn đề lớn hơn: Nội dung độc hại ngày càng được yêu thích.

1,6 triệu người xem màn đấu tố

Theo ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông và tổng giám đốc Le Group, mọi thứ trong vụ việc này diễn ra tự phát, thiếu tính toán và trên hết là không có lợi cho người trong cuộc.

"Nếu đó là chiêu trò truyền thông của ViruSs thì nghĩa là anh ta lấy đá ghè chân mình. Được lợi một ít tiền nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh thương hiệu về lâu dài, chắc chắn là mất nhiều hơn được", ông nhận xét.

Tuy nhiên, dù không ai chủ động tạo kịch bản, cách drama tình cảm lan truyền mạnh mẽ lại đặt ra câu hỏi về chất lượng nội dung trên môi trường số hiện nay: Vì sao những nội dung giật gân, bê bối lại dễ trở thành xu hướng?

Ông Vinh nhắc đến từ “brain rot” (tạm dịch: thối não), từ khóa được Oxford bình chọn là “Từ của năm 2024”. “Thối não” chỉ tình trạng suy thoái về tinh thần hoặc trí tuệ do tiêu thụ quá mức một loại nội dung “tầm thường hoặc không có thách thức”. Theo ông, đây không còn là trường hợp đơn lẻ mà trở thành vấn đề lớn của xã hội.

viruss bi phot ngoai tinh anh 1

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chỉ ra vấn đề lớn về nội dung độc hại từ drama của ViruSs. Ảnh: Đức Huy.

Ông Vinh khẳng định tiềm năng của nội dung trực tuyến là rất lớn, nhưng song song với đó là sự trỗi dậy của nội dung ngắn, gây sốc, dễ tiếp cận nhưng nghèo nàn về chiều sâu.

“Khi giới trẻ trở nên phụ thuộc vào những nội dung đơn giản và hấp dẫn này, họ dần đánh mất khả năng dành thời gian cho việc tiếp cận các tài liệu tốn thời gian hơn, như sách, bài báo học thuật, hay các tác phẩm nghệ thuật sâu sắc”, chuyên gia truyền thông phân tích.

Ông Vinh chỉ ra thêm nhiều tác hại của việc tiêu thụ nội dung hời hợt, có yếu tố bạo lực, phản cảm như: khó khăn trong việc đánh giá và tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng, giảm sút khả năng phản biện và tư duy độc lập, mất cơ hội trải nghiệm những cuộc trò chuyện có chiều sâu và kết nối tình cảm mạnh mẽ…

“Một nền văn hóa đơn điệu và nghèo nàn đang dần hình thành, nơi mà sự sáng tạo và chiều sâu của tư duy trở thành những giá trị không còn được đề cao”, ông Vinh cảnh báo trong bối cảnh nội dung hời hợt, giải trí ngày càng được ưa chuộng thay vì các kiến thức sâu.

Bên chịu thiệt nhiều nhất

Ở góc nhìn pháp luật, TS Đặng Văn Cường - giảng viên luật hình sự, Khoa Luật và Lý luận chính trị của Đại học Thủy Lợi - nhấn mạnh vào hệ quả thực tế của những nội dung được lan truyền. Theo ông, việc các nhân vật nổi tiếng công khai phát tán thông tin đời tư, đấu tố lẫn nhau trên livestream hay qua sản phẩm âm nhạc tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật.

"Nội dung đời tư, ngôn ngữ phản cảm, những MV có yếu tố dung tục... nếu vượt ngưỡng văn hóa hoặc kích động hành vi tiêu cực thì đều có thể bị xử lý", ông Cường khẳng định. Ông dẫn Nghị định 38/2021/NĐ-CP, theo đó các bản ghi âm, ghi hình có nội dung trái thuần phong mỹ tục có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng và buộc gỡ bỏ.

Với các buổi livestream, luật sư phân tích rằng nếu hành vi livestream được thực hiện nhằm trục lợi, đưa ra thông tin sai lệch hoặc tiết lộ bí mật đời tư người khác, thì tùy vào mức độ hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật An ninh mạng.

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Pháp luật hiện nay vẫn chưa đủ cụ thể để kiểm soát tình trạng cá nhân livestream nội dung nhảm nhí, độc hại. Nhiều quy định mới chỉ siết đối với nền tảng, chứ chưa can thiệp rõ vào hành vi người dùng".

viruss bi phot ngoai tinh anh 2

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết các nội dung phản cảm về đời tư hay MV có yếu tố dung tục đều có thể bị xử phạt theo pháp luật. Ảnh: NVCC.

Ông cho rằng điểm đáng báo động là nhóm người nổi tiếng hiện nay nhiều khi không đi lên bằng tài năng hay giá trị thật, mà nổi lên nhờ thuật toán và hiệu ứng đám đông. Do vậy, họ không chịu ràng buộc bởi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hay trách nhiệm xã hội rõ ràng.

“Nhiều thần tượng ngày này có lối sống, quan điểm lệch lạc nên dễ thực hiện các hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này dễ tác động tiêu cực đến tâm lý và suy nghĩ của những người theo dõi”, luật sư cảnh báo.

Cùng quan điểm, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh vai trò của giáo dục truyền thông và sự tỉnh táo của người dùng. Theo ông, công chúng cần được trang bị năng lực phân tích, chọn lọc và đánh giá thông tin, thay vì tiêu thụ một cách thụ động mọi thứ mạng xã hội đưa tới.

“Mặt khác, các nhà sản xuất nội dung cần được động viên để tạo ra những sản phẩm mang tính giáo dục, sáng tạo hơn và các cơ quan quản lý nhà nước nên hỗ trợ trong việc xây dựng tiêu chuẩn nội dung. Đây là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hoá”, ông Vinh đề xuất.

Cả hai chuyên gia đồng tình, ngoài khung pháp lý, điều cần thiết hơn là xây dựng hệ sinh thái văn hoá số lành mạnh, trong đó người nổi tiếng có trách nhiệm với ảnh hưởng của mình và người xem biết cách bảo vệ thời gian, nhận thức và cảm xúc của chính họ.

Những giải pháp này sẽ giúp xây dựng một thế hệ biết tiêu thụ nội dung thông minh và trân trọng các giá trị văn hóa sâu sắc trong thời đại số hóa.

Phạm Thoại, Chị Em Rọt 'biến mất'?

Phạm Thoại, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs gần như biến mất khỏi mạng xã hội sau các ồn ào. Võ Hà Linh không còn livestream trên nền tảng từng giúp cô "hái ra tiền".

Phong cách phỏng vấn lập dị của Steve Jobs

Jobs đặt ra những khuôn phép chặt chẽ trong quy trình tuyển dụng. Ông thường hỏi những câu kỳ cục sở trường để xem xét ứng cử viên phản ứng thế nào trong tình huống bất ngờ. Mục tiêu là thu nhận đúng người, những con người sáng tạo, thông minh tinh quái và một chút nổi loạn.

Đức An

Bạn có thể quan tâm