Bộ Công an cho hay thời gian gần đây, tội phạm tiếp tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, có thủ đoạn cắt ghép hình ảnh của các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội sau đó nhắn tin, gọi điện uy hiếp yêu cầu chuyển tiền.
Để thực hiện hành vi, các đối tượng thu thập hình ảnh, số điện thoại của người dân từ những trang mạng hoặc tài khoản mạng xã hội (đặc biệt là các thông tin được chia sẻ ở chế độ công khai trên mạng xã hội). Các đối tượng nhắm đến các nạn nhân là người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội (gồm cả các lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành trên cả nước).
Chúng sử dụng hình ảnh chân dung, ảnh có khuôn mặt của các cá nhân, sau đó chỉnh sửa, cắt ghép vào hình ảnh có nội dung nhạy cảm, khỏa thân, đồi trụy, rồi sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của “con mồi” để uy hiếp, đe dọa và yêu cầu bị hại chuyển tiền (dưới dạng tiền điện tử USDT hoặc chuyển khoản ngân hàng).
Nếu bị hại không thực hiện theo yêu cầu, chúng sẽ đăng tải các hình ảnh đã qua cắt ghép, chỉnh sửa lên các trang mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây dư luận xấu đến uy tín của người bị hại.
Trong tin nhắn gửi cho các bị hại, đối tượng thường yêu cầu người bị hại liên hệ trực tiếp qua email do chúng tạo lập, quản trị (nhằm thuận tiện cho đối tượng có thể gửi hình ảnh đã qua chỉnh sửa để uy hiếp nạn nhân và xóa dấu vết).
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an khuyến cáo: Quá trình sử dụng các mạng xã hội, mọi người hạn chế chia sẻ các thông tin về cá nhân, gia đình ở chế độ công khai, vì việc này dễ dẫn tới chuyện tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng khi bị đe dọa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được trợ giúp, hướng dẫn.
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.