Ngày 5/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Giang đã triệu tập, điều tra 18 đối tượng, trong đó khởi tố 13 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" vì có hành vi cắt, ghép hình ảnh nhạy cảm vào hình ảnh của nạn nhân; gọi điện thoại đe dọa, xúc phạm người thân, lãnh đạo cơ quan, tổ chức nơi các khách hàng vay nợ để thúc ép trả nợ và cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 25/11, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra hành chính (tại một văn phòng ở tầng 4, số nhà 265, đường Nguyễn Công Phương, tổ 8, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và phát hiện Lê Văn Triều (sinh năm 1992, trú tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi) chủ mưu, cầm đầu cùng 17 đối tượng khác đều là nữ giới trú tại tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu phạm tội “Vu khống” và “Cưỡng đoạt tài sản".
Các đối tượng và tang vật vụ án được áp giải, đưa về về trụ sở Công an tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN phát. |
Tiến hành khám xét khẩn cấp tại nơi làm việc của Lê Văn Triều và đồng bọn, lực lượng phá án đã thu giữ 44 điện thoại di động, 22 bộ máy vi tính và nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan.
Với sự hỗ trợ tích cực của Công an tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng phá án của Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập, áp giải Lê Văn Triều và 17 đối tượng liên quan từ Quảng Ngãi về Bắc Giang.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Giang xác định, Lê Văn Triều đã lập hai nhóm nhân viên để lấy thông tin của khách hàng; liên lạc, nhắn tin đe dọa, vu khống, cắt, ghép hình ảnh nhạy cảm của họ để đòi nợ trái quy định.
Trường hợp khách hàng không thanh toán khoản nợ, các đối tượng trên tìm đến, gây áp lực lên đồng nghiệp, lãnh đạo hay người thân của khách hàng để ép người vay thanh toán nợ.
Đối tượng Lê Văn Triều tại Cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN phát. |
Lê Văn Triều thuê Nguyễn Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1998) và Lê Thị Thúy (sinh năm 1990), đều trú tại tỉnh Quảng Ngãi làm quản lý, điều hành các nhân viên. Lê Văn Triều là người thuê địa điểm, mua máy vi tính, điện thoại di động, sim "rác", sim “mạo danh”, tìm kiếm thông tin người vay nợ, người liên quan như lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, người thân...
Sau đó, các đối tượng sử dụng sim "rác", sim “mạo danh,” tạo lập tài khoản Telegram, Facebook nặc danh để gọi điện liên lạc đe dọa, xúc phạm, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm đăng lên mạng xã hội, gây áp lực, thúc ép khách hàng phải trả nơ.
Các đối tượng đã thúc ép người thân của khách hàng và khách hàng trả nợ khoảng 300-400 triệu đồng. Khi đó, nhóm này được hưởng 21% tổng số tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Giang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.