Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai

Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án.

Mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Kêu gọi "hùn vốn", lừa làm sổ đỏ để chiếm đoạt

Ngày 28/12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Võ Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1990, trú 22/13 Phan Kế Bính, phường Thủy Xuân, TP Huế).

Theo điều tra ban đầu, Nguyên đưa ra thông tin gian dối với nhiều người rằng bản thân có mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có khả năng giải quyết các thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi những thông tin trên sổ đỏ, tách thửa và cấp sổ đỏ mới...

Đồng thời, Nguyên còn “nổ” đang đầu tư, mua bán các thửa đất có lợi nhuận cao khiến các bị hại tin tưởng đưa tiền và hồ sơ liên quan đến các thửa đất để nhờ Nguyên làm giúp. Tuy nhiên, sau khi các bị hại đưa tiền, thì Nguyên đã chiếm đoạt để trả nợ, tiêu xài cá nhân và lấy toàn bộ sổ đỏ của các bị hại đi cầm cố, gán nợ. Quá trình điều tra bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác định Võ Nguyễn Hoàng Nguyên đã chiếm đoạt tài sản của 12 nạn nhân với số tiền 6,75 tỷ đồng.

Một nạn nhân (xin giấu tên) ở TP Huế cho biết thông qua người quen, bà này tìm đến Nguyên làm sổ đỏ lô đất cho gia đình. Khi gặp Nguyên thì Nguyên tự nhận có khả năng giải quyết thủ tục “trọn gói” về đất đai như: làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thông tin trên sổ đỏ, làm hồ sơ xin tách thửa và cấp sổ đỏ…

Tin tưởng lời nói Nguyên là thật, gia đình nạn nhân đã nhiều lần đi vay mượn số tiền 420 triệu đồng đưa cho Nguyên, nhưng đến giờ lô đất của gia đình này vẫn chưa được cấp sổ đỏ như lời hứa của Nguyên.

Lua dao chiem doat,  Tai san,  Lien quan dat dai anh 1

Cơ quan điều tra công bố lệnh bắt bắt giữ đối với Nguyễn Giang Chung.

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phá chuyên án, bắt khẩn cấp Nguyễn Giang Chung (SN 1995, trú tại 856/37 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối về việc sở hữu các thửa đất có giá trị cao tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, Chung đã kêu gọi các bị hại góp vốn đầu tư thu lợi nhuận nhằm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra bước đầu, Công an xác định Chung đã chiếm đoạt của nhiều bị hại trên địa bàn Thừa Thiên Huế với số tiền 6,2 tỷ đồng.

Đủ chiêu trò lừa lọc

Gần đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục đưa ra xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do liên quan đến đất đai. Đơn cử, giữa tháng 10/2024, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử Lê Văn Hiền (SN 1991, trú tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo.

Theo cáo trạng, từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022, Lê Văn Hiền làm Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn HT ACTION hành nghề kinh doanh bất động sản tại Thừa Thiên Huế. Trong quá trình kinh doanh, do thua lỗ và đang bị nợ xấu tại ngân hàng nên Hiền đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối là tự vẽ bản đồ tách thửa các thửa đất không thuộc quyền sử dụng của mình rồi đem bán cho nhiều người mua đất để nhận tiền đặt cọc, mượn tiền để đầu tư kinh doanh đất. Tin tưởng những thông tin Hiền đưa ra là thật, các bị hại đã đưa tài sản cho Hiền và Hiền chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ngoài phương thức nói trên, sau khi thỏa thuận giá cả các lô đất, Hiền chỉ đặt cọc với số tiền nhỏ so với giá trị thỏa thuận chuyển nhượng, rồi nhanh chóng rao bán cho người khác. Khi có khách hàng mua, Hiền yêu cầu các chủ sở hữu đất tiến hành thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp cho người mua (do Hiền chỉ định), Hiền cam kết sẽ trả hết tiền như thỏa thuận cho chủ sở hữu đất ngay sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Do tin tưởng, các chủ thửa sở hữu đất đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên người khác theo yêu cầu của Hiền. Khi những người mua đất đã thanh toán đầy đủ tiền cho Hiền, thì Hiền chỉ trả một phần mà không trả hết tiền cho chủ thửa đất.

Với các thủ đoạn đó, Hiền đã chiếm đoạt tổng số tiền của các bị hại hơn 9,3 tỷ đồng. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Hiền 15 năm tù giam, buộc bị cáo trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm đối với đôi vợ chồng “hờ” Nguyễn Thanh Toàn (SN 1988) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1978, trú phường An Đông, TP Huế), theo cáo trạng, từ năm 2021, Toàn nhận thấy nhiều người dân đang đầu tư kinh doanh bất động sản nên bàn bạc, thống nhất với Quỳnh mua đất trồng cây lâu năm có diện tích lớn để tự phân lô, tách thửa bán lại nhằm kiếm lời. Biết mình không phải là chủ đất có sổ đỏ và đất chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích, phân lô, tách thửa… nhưng Toàn và Quỳnh tự ý thuê người vẽ sơ đồ phân lô, tách thửa nhiều lô đất ở nhiều vị trí khác nhau.

Tiếp đó, Toàn và Quỳnh đưa ra nhiều thông tin gian dối là đất đang làm thủ tục để cấp đổi, đất chuyển mục đích thành đất ở rồi thuê người làm san lấp, phát quang mặt bằng… và đăng ảnh lên mạng xã hội khiến nhiều người tin tưởng đặt cọc tiền mua các lô đất. Đôi vợ chồng “hờ” này thực hiện được 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 5,75 tỷ đồng của nhiều bị hại. Tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Toàn 7 năm 3 tháng tù và Nguyễn Như Quỳnh 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan chức năng, ngày 1/1/2025, Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nên chắc chắn nhu cầu giao dịch, mua đất của người dân trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận sẽ tăng. Vì vậy, trước thực trạng nói trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu mua đất, đầu tư bất động sản cần chủ động xác minh tính pháp lý của thửa đất. Nếu đầu tư thông qua môi giới, cần tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân, trực tiếp tham gia kiểm chứng, xác minh thông tin trong hợp đồng với cơ quan chức năng để tránh rủi ro, không nên tin vào lời quảng bá, dụ dỗ của đối tượng.

Đối với những dự án có giá rao bán quá thấp so với thị trường, cần phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi bỏ tiền đầu tư. Trong quá trình mua, bán bất động sản, nếu phát hiện các bất thường, nghi ngờ thì cần trình báo cơ quan Công an để được giải quyết...

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

https://cand.com.vn/phap-luat/canh-bao-thu-doan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-lien-quan-den-dat-dai-i755842/

Hải Lan/Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm