Câu chuyện này diễn ra tại lớp 4B, trường tiểu học Sơn Phong, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, khi em H’Noai Ê Ban liên tục vắng mặt trên lớp. Cô giáo tìm đến nhà để báo cho gia đình thì mới biết em đã bỏ học và theo người khác đi làm thuê từ bao giờ.
Bà H'Lý Ê Ban, mẹ của em H’Noai Ê Ban, chia sẻ: "Gia đình không cho cháu đi làm vì còn nhỏ quá. Cháu trốn đi làm lúc nào bố mẹ cũng không biết, giờ thấy tội nghiệp con quá".
Theo đại diện Công an xã Yang Réh của huyện Krông Bông, tình trạng học sinh ở đây bị dụ dỗ đi lao động không phải hiếm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tình trạng này diễn ra nhiều hơn, đặc biệt vào dịp hè.
Ông Ma Rem, Trưởng công an xã Yang Réh, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), cho biết, khoảng tháng 5, các em bỏ học nhiều vì đây là khoảng thời gian nghỉ hè. Một số em đi rồi không thấy quay về nữa.
Từ đầu năm 2017, 45 em bị dụ dỗ đi lao động ở tỉnh ngoài, chủ yếu từ 11 đến 14 tuổi. Ảnh cắt từ clip.
|
Theo số liệu thống kê của Công an huyện Krông Bông, 45 em bị dụ dỗ đi lao động ở tỉnh ngoài từ đầu năm tới nay. Hầu hết có độ tuổi từ 11 đến 14.
Bước đầu, công an huyện đã xác định được các đối tượng thường đưa học sinh đi lao động cùng thủ đoạn của họ.
Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng công an huyện Krông Bông (Đắk Lắk), cho biết: "Đối tượng đến trực tiếp để ký hợp đồng và đưa các em nhỏ về TP.HCM lao động. Với chiêu thức đưa đi học nghề, thủ đoạn của chúng vô cùng tinh vi và phức tạp. Vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiên quyết ngăn chặn tình trạng này".
Thực trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như trẻ em bị bóc lột sức lao động hoặc có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó không chỉ gây ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc mà còn làm xáo trộn cuộc sống của người dân ở các buôn làng.
Cũng theo ông Ngọc, trong khi gia đình và chính quyền địa phương không nắm được tình trạng ăn ở, điều kiện lao động của các em tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu khi không có sự chăm sóc, quan tâm từ phía gia đình.