Theo South China Morning Post, sự suy giảm dân số đang diễn ra ở Trung Quốc là do có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người dân kết hôn muộn và xu hướng không sinh con ngày càng phổ biến.
Theo bản tóm tắt kết quả từ Báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc được công bố đầu tháng 7, đến năm 2100, dân số Trung Quốc có thể quay trở lại mức tương đương với cuối những năm 1950 khi đối mặt nguy cơ mất đi 786 triệu người.
Kết hôn muộn và xu hướng không sinh con làm trầm trọng thêm vấn đề dân số tại đất nước tỷ dân. |
Cụ thể, Trung Quốc "có khả năng sẽ chứng kiến mức giảm dân số tuyệt đối lớn nhất (là 204 triệu người) trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2054", tiếp theo là Nhật Bản và Nga, với mức giảm dân số tiềm ẩn lần lượt là 21 triệu và 10 triệu người.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết thêm rằng dự báo dân số trong thời gian dài hơn vẫn chưa chắc chắn.
Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2023, mặc dù số liệu thống kê chính thức không có sẵn vì Ấn Độ không thể hoàn thành cuộc điều tra dân số một thập kỷ một lần theo kế hoạch vào năm 2021 do đại dịch Covid-19.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống còn 1,4097 tỷ người sau khi dân số chung của nước này giảm 2,08 triệu người. Chỉ có 9,02 triệu ca sinh được báo cáo ở Trung Quốc vào cùng năm, đây là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1949.
Nhưng ngay cả khi các nhà nhân khẩu học kỳ vọng vào sự phục hồi ngắn hạn ở số trẻ sơ sinh trong vài năm tới, khi một loạt các chính sách hỗ trợ sinh đẻ được thực hiện và năm nay là năm Rồng tốt lành theo văn hóa của Trung Quốc, triển vọng dài hạn vẫn dự báo số ca sinh sẽ tiếp tục giảm.
Tỷ lệ sinh toàn cầu hiện ở mức 2,25 trẻ em sinh ra sống trên một phụ nữ, trong khi cần mức thay thế là 2,1 trẻ em sinh ra sống để duy trì quy mô dân số ổn định.
Trung Quốc, cùng với gần 1/5 các quốc gia và khu vực khác, đang phải trải qua tình trạng được gọi là tỷ lệ sinh "cực thấp", với chưa đến 1,4 trẻ sinh ra sống trên mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời, theo Liên Hợp Quốc.
Dân số già hóa, giảm quy mô cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của Trung Quốc. |
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, tỷ lệ sinh tổng thể của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,09 vào năm 2022, trong khi tỷ lệ sinh tổng thể ở Thượng Hải, một trong những thành phố giàu có nhất đất nước, đã giảm xuống còn 0,6 vào năm 2023.
Các nhà nhân khẩu học cho biết tỷ lệ sinh tổng thể của nước này có thể giảm xuống dưới 1 vào năm 2023, mặc dù Trung Quốc chưa cung cấp tỷ lệ sinh tổng thể chính thức của năm ngoái.
Liên Hợp Quốc cho biết thêm rằng rất có khả năng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh trong thế kỷ này, sớm hơn dự kiến, có thể là vào giữa những năm 2080 với dân số khoảng 8,2 tỷ người.
"Dân số thế giới vào năm 2100 hiện dự kiến giảm 6% - hoặc ít hơn khoảng 700 triệu người - so với dự đoán cách đây một thập kỷ. Việc đạt đỉnh sớm hơn dự kiến về quy mô dân số toàn cầu là do một số yếu tố, bao gồm mức sinh thấp hơn dự kiến trong những năm gần đây ở một số quốc gia lớn nhất thế giới, đặc biệt là Trung Quốc", báo cáo cho biết.
Vào tháng 2, Economist Intelligence Unit cho biết dân số Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm, dự kiến sẽ giảm 20 triệu xuống còn 1,39 tỷ người vào năm 2035, làm lu mờ thêm triển vọng kinh tế dài hạn và tạo ra những tác động đến việc nghỉ hưu muộn và tốc độ tự động hóa tăng tốc.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.